Triển vọng cây gấc
“Trồng chơi cũng có tiền bỏ túi”
Ông Chau Soc Khone, nông dân người Khmer ở xã Núi Tô (Tri Tôn), đã nói như thế về gấc, một loại cây trồng còn khá xa lạ đối với những hộ được giao khoáng rừng ở núi Tô. Ông Chau Soc Khone cho biết, để có thể sống lâu dài với rừng, trước đây, ông cũng như nhiều nông dân khác kết hợp trồng cây điều, trồng xoài hoặc một số loại dây leo như bầu, bí, mướp… “Tuy nhiên, do đất có phần bạc màu, lại thiếu nước tưới nên các loại cây ăn quả, rau màu đạt năng suất thấp, giá cả cũng rất bấp bênh” - ông Khone bộc bạch.
Một lần đi rừng bên núi Cấm, thấy có hộ dân trồng gấc phát triển khá tốt, trái xum xuê, ông Chau Soc Khone tìm hiểu rồi đem giống về trồng thử nghiệm trên 1 héc-ta rừng trong tổng diện tích 3 héc-ta rừng được giao khoán và rừng trồng ở núi Tô. Ông Khone làm giàn ngay dưới những khoảng trống của tán rừng để cây gấc bám vào. Sau khoảng 2 tháng sau khi gieo hom, gấc bắt đầu ra hoa, kết trái. Ông Khone lựa những trái chín mang ra chợ bán được từ 8.000 - 10.000 đồng/kg gấc tươi. Bình quân mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch hơn chục ký, mang về nguồn thu nhập khá, giúp gia đình trang trải được nhiều khoản chi tiêu cần thiết. “Sắp tới, tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kỹ thuật trồng gấc sao cho đạt năng suất cao, phòng trừ sâu bệnh tốt hơn. Nếu đạt hiệu quả, tôi sẽ mở rộng diện tích lên 3 héc-ta” - ông Chau Soc Khone nhấn mạnh.
Ngoài một vài hộ trồng tự phát như ông Chau Soc Khone, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cũng đã phối hợp với các nhà nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) tiến hành trồng thử nghiệm cây gấc ở xã Núi Tô (Tri Tôn) và An Hảo (Tịnh Biên). Kết quả cho thấy, dòng gấc OMC trồng thử nghiệm tại xã Núi Tô đạt năng suất trung bình 6,76 tấn/héc-ta, còn xã An Hảo là 8,1 tấn/héc-ta. Qua phân tích, gấc trồng trên đất bạc màu vùng núi tỉnh An Giang có hàm lượng Beta-carotene đạt 1.130 µg/g, còn hàm lượng Lycopene đạt 5.830 µg/g. Những hàm lượng dược chất này đạt rất cao so với cùng dòng gấc trồng trên đất phù sa.
Hợp tác nhân rộng
Theo PGS.TS. Lê Thanh Phong và các cộng sự ở Trường ĐHCT, gấc là loại trái cây rất giàu chất carotenoids, gồm các hợp chất chống oxy hóa, như: Lycopene (hàm lượng gấp 5 lần trái cà chua) và Beta-carotene (gấp 8 lần cà rốt). Các hợp chất carotenoids được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm và dược liệu, tạo ra những sản phẩm giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, hạn chế bệnh thiếu Vitamin A gây giảm thị lực ở trẻ em. “Ở Việt Nam, gấc được trồng với quy mô hộ gia đình, được sử dụng phổ biến để nấu xôi gấc và tạo màu tự nhiên cho thực phẩm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, cây gấc có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau như phù sa, đất phèn và đất bạc màu. Trong đó, đất ở vùng Bảy Núi - An Giang tỏ ra phù hợp với cây gấc” - ông Phong thông tin.
Hiện nay, người dân vùng Bảy Núi đã biết khai thác đất đồi dốc và khu vực ven triền núi trồng nhiều loại cây thích hợp mùa mưa, góp phần tăng thu nhập cho các hộ giữ rừng và có đất trên núi. Tuy nhiên, các mô hình nông lâm kết hợp này chưa được định hướng hoàn chỉnh, một số loại cây trồng chưa thật sự thích nghi với điều kiện đất đai nên hiệu quả chưa bền vững. PGS.TS. Lê Thanh Phong cho rằng, tỉnh An Giang cần có quy hoạch, bố trí lại cơ cấu các kiểu sử dụng đất ở vùng Bảy Núi sao cho phù hợp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp một cách tích cực. Trong đó, có thể phối hợp Trường ĐHCT, các doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu gấc phục vụ chế biến xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng từ gấc, xây dựng được thương hiệu gấc An Giang với chất lượng sản phẩm tốt hơn các vùng trồng khác. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là nông dân Khmer vùng Bảy Núi để họ yên tâm bám rừng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn