Liên quan đến nội dung trên, ngày 16/9, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm trao đổi với phóng viên Dân trí.
- Đường đi của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới thường phụ thuộc vào các yếu tố nào, thưa ông?
- Đường đi của bão về mặt lý thuyết khá phức tạp vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố chính như: Yếu tố ngoại lực - yếu tố này phụ thuộc vào dòng dẫn đường quy mô lớn, cụ thể chính là cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương. Bão chủ yếu đi theo dòng dẫn đường quy môn lớn, chính xác là bão đi ở rìa khí áp của cao cận nhiệt đới; Yếu tố thứ 2 là nội lực gồm có quán tính - bản thân khi bão dịch chuyển luôn có yếu tố quán tính; Yếu thố thứ 3 là ma sát, khi bão di chuyển ở vùng biển thì quỹ đạo sẽ khác, nhưng bão di chuyển trên vùng đệm đất liền thì quỹ đạo dịch chuyển sẽ khác.
Trên đây là các yếu tố tác động đến hướng dịch chuyển của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
- Vậy, ông có thể phân tích cụ thể hơn về bão số 6 (bão Mangkhut)?
- Hướng dịch chuyển của bão số 6 cũng phụ thuộc vào các yếu tố như quán tính, ma sát và dòng dẫn đường như tôi đã phân tích ở trên.
Đối với cơn bão mạnh thì dòng dẫn đường đóng vai trò rất quan trọng. Khi bão Mangkhut bắt đầu hình thành ở vùng biển ngoài khơi phía Đông của Philippines, trên hệ thống khí quyển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tồn tại hệ thống cao cận nhiệt đới, lúc đó hệ thống cao cận nhiệt đới nằm lệch và sâu xuống phía Nam. Chính vì vậy, hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới sử dụng điều kiện khí quyển ban đầu như thế thì kết quả dự báo dài trước 3-5 ngày đều cho rằng quỹ đạo của bão Mangkhut có xu hướng đi lệch xuống phía Nam, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, 2-3 ngày sau, tất cả các mô hình phải cập nhật lại điều kiện khí quyển ban đầu, hệ thống cao cận nhiệt đới nói trên lại có xu hướng đi lệch lên phía Bắc một chút. Các mô hình dự báo sau khi cập nhật các điều kiện đó, thì hầu hết lại cho rằng quỹ đạo di chuyển của bão Mangkhut lệch lên phía Bắc hơn so với dự báo trước đó 2-3 ngày.
Đây cũng chính là lý do mà dự báo ban đầu so với dự báo sau 2-3 ngày của hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới đều khác và cho thấy cường độ cơn bão Mangkhut này giảm hơn. Thông thường bão di chuyển lệch lên hướng Bắc thì nguồn năng lượng cung cấp cho bão cũng thấp hơn do ma sát với nhiều vùng đệm đất liền
- Như ông phân tích ở trên thì rõ ràng các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới ít nhiều đều có sai số. Đặc biệt, đối với các bản tin dự báo xa, trước 3-5 ngày thì độ chính xác thường không cao?
- Đến thời điểm hiện nay, sau rất nhiều cải tiến của các mô hình dự báo trên thế giới cũng như hiểu biết của chúng ta về quá trình vật lý trong khí quyển thì việc dự báo quỹ đạo bão, đường đi của bão, vị trí của bão đã được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, dự báo trước 3 ngày thì sai số về quỹ đạo bão là ở bán kính trên dưới 200km, tức là khi ta dự báo bão sẽ ở vị trí điểm A, nhưng bão lại ở vị trí điểm B hoặc C trong bán kính 200km; còn dự báo trước 2 ngày thì sai số khoảng 150km; dự báo trước 1 ngày thì sai số khoảng 100km.
Có thể nói, sai số trong dự báo về quỹ đạo bão hiện nay đã được cải thiện. Vì quỹ đạo phụ thuộc vào các yếu tố như đã phân tích ở trên, do đó, các bản tin phải liên tục cập nhật.
Còn đối với cường độ bão thì khó dự báo hơn vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố tương tác giữa các hoàn lưu địa hình dẫn đến sai số.
Những nước phát triển như Mỹ, để dự báo bão trong 24 giờ tới, 48 giờ tới bão ảnh hưởng như nào và cường độ bao nhiêu thì họ phải dùng máy bay không người lái bay thẳng vào tâm bão để đo chính xác cấu trúc của bão như nào, đặc điểm nhiệt và áp trong bão như nào, từ đó họ mới đưa ra được các bản tin cảnh báo cho 24 giờ, 48 giờ như thế nào. Ngoài ra, họ có rất nhiều mạng lưới quan trắc trên các tàu biển và vệ tinh để chụp được hình ảnh bão từ trên cao, thu thập dữ liệu để phân tích.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn