Theo cơ cấu giống lúa của tỉnh, vụ xuân 2020, toàn tỉnh lấy trà xuân muộn làm chủ lực. Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, người nông dân đang khẩn trương dọn dẹp bờ thửa, cày bừa ruộng, làm đất... để kịp xuống giống trà lúa xuân muộn. Ảnh: Nông dân bắt đầu bắc mạ để cấy các giống trà xuân muộn.
Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 83,8% công tác làm đất. Ảnh: Cánh đồng thôn Đông Hà (Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) đã hoàn thành cơ bản việc làm đất để chuẩn bị xuống giống gieo trà xuân muộn, gồm một số giống như: Khang dân, Thiên ưu...
Các “đầu cơ nghiệp” cùng người nông dân Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) xuống đồng...
và những con “trâu sắt” cũng được bà con xã Tùng Lộc (Can Lộc) huy động hết công suất để hoàn thành khâu làm đất, chuẩn bị mùa gieo cấy
Một vài nơi thuộc vùng trũng thấp hoặc không chủ động được nước, các địa phương đã linh động gieo cấy một số giống trà xuân sớm phù hợp. Cơ cấu giống trà xuân sớm của toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020 chỉ khoảng 400 - 500 ha. Ảnh: Những ngày này, bà con thôn Phù Ích (Ích Hậu, Lộc Hà) tăng cường chăm sóc mạ để kịp xuống cấy.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Phù Ích (Ích Hậu, Lộc Hà) cho biết: “Cánh đồng của thôn chúng tôi hầu hết là ruộng trũng nên buộc phải cấy trà xuân sớm. Năm nay tôi cấy 1 mẫu (0,5ha) trà xuân sớm giống Xi 23 và 2 sào trà xuân muộn. Hi vọng thời tiết năm nay thuận lợi, lúa được mùa”.
Đồng ruộng nằm giữa hai dãy núi nên không việc chủ động nước trên cánh đồng của bà con thôn 3 và thôn 5 xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) gặp khó khăn. Hiện nay, bà con nông dân ở đây đã bắt đầu xuống cấy trà xuân sớm
Bà Đinh Thị Nga, thôn 3 Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) cấy 4 sào giống Xi23, Xi29 trà xuân sớm. Bà tin năm nay thời tiết sẽ thuận lợi, với 4 sào lúa sẽ đạt sản lượng 1,2- 1,4 tấn lúa.
Trong những khu vườn mẫu, hoa tết đang ươm nụ chờ khoe sắc...
Tại khu vườn mẫu rộng gần 1500 m2 của chị Lê Thị Hiền, thôn Quan Nam (Hồng Lộc, Lộc Hà), nhiều thửa ruộng hoa cúc đã rực vàng. Chị Hiền cho biết, từ thành công của tết năm trước, năm nay chị trồng gần 30 nghìn gốc hoa cúc đại đóa màu vàng, khoảng 5.000 cây loại màu trắng và 5.000 cây hoa lay ơn cùng hàng nghìn cây hoa cúc vạn thọ... để phục vụ bà con từ nay đến dịp tết.
Theo kinh nghiệm của mình, chị Hiền cho biết: Cây lay ơn khi ra đủ 7 lá thì bắt đầu trổ hoa. Hiện tại 5000 gốc lay ơn trong vườn đã ra đến lá thứ 5. Nếu thời tiết ổn định, hoa sẽ nở đúng vào khoảng 28 đến 30 tháng Chạp.
Bên cạnh nhiều loại hoa khác, cúc vạn thọ có ý nghĩa cho sự thành công, phúc lộc bền vững nên trong dịp tết rất được ưa chuộng...
Cúc vạn thọ thường được người chơi hoa trồng vào chậu để trước hiên nhà hay trong phòng khách ngày tết. Thời điểm này, các hộ trồng hoa đã bắt đầu bứng gốc trồng vào chậu để vào dịp cận tết cây ổn định và phát triển một cách tự nhiên. Mỗi chậu hoa như thế này được bán ra thị trường khoảng 100 ngàn đồng.
Với những vườn cam bù ở các huyện miền núi, mùa xuân cũng là mùa thu hoạch
Vườn cam dành bán dịp tết của ông Nguyễn Văn Bát (thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn)
Những cánh đồng ngô ở huyện miền núi Vũ Quang cũng khoác chiếc áo tươi xanh
Xuân về trên cánh đồng rau giống thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc) cũng là lúc người dân ở đây thu hoạch nốt lứa rau giống cuối cùng để chuẩn bị đất trồng các loại rau củ thương phẩm, như dưa chuột, mướp đắng...
Nhiều vườn mẫu ở Lộc Hà, bà con nông dân trồng các loại rau để phục vụ tết như súp lơ, cải bắp, đậu que, dưa chuột... chuẩn bị thu hoạch. Những ngày này, chị Nguyễn Thị Hóa, chủ khu vườn mẫu rộng 1.200 m2 ở thôn Kim Tân (Tân Lộc, Lộc Hà) tất bật trên vườn để bắt sâu, bón phân...
Trong khi đó 1 sào dưa chuột của chị đã bắt đầu cho thu hoạch, giúp gia đình có thêm khoản tiền sắm tết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn