42% người dân nông thôn không thấy hạnh phúc
Đây là một trong những nội dung của bốn nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề chính sách phát triển kinh tế cho nông thôn Việt Nam được trình bày trong hội thảo diễn ra sáng 21-11 tại Hà Nội .
Các nghiên cứu này được thực hiện vào các năm 2002, 2006, 2008, 2010, và gần đây nhất là vào năm 2012, thu thập được một lượng lớn các thông tin kinh tế - xã hội, từ các vấn đề như tiết kiệm và thu nhập đến đất đai và di cư, qua thực hiện phỏng vấn trên 3.700 hộ gia đình ở khu vực nông thôn các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đăc Lắc, Đắc Nông, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, và Long An.
Trong số 3.700 hộ được khảo sát có tới 42% hộ nông thôn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống, 6% cho hay không hài lòng một chút nào với cuộc sống hiện tại.
Có nhiều nguyên nhân khiến các hộ nông dân không cảm thấy hạnh phúc, thu nhập thấp được cho là nguyên nhân chính. Giáo sư Finn Tarp, thuộc trường đại học Copenhagen cho hay, theo cuộc điều tra này thì thu nhập của bản thân có tác động tích cực tới hạnh phúc. Ở nhóm có thu nhập cao nhất, 70% người được hỏi về mức độ hài lòng về cuộc sống trả lời “khá” hoặc “rất” hài lòng với cuộc sống của mình. Nhưng ở nhóm thu nhập thấp nhất, tỷ lệ tương ứng chỉ là 40%.
Một trong những thay đổi quan trọng về hình thức tìm kiếm thêm thu nhập của các hộ gia đình, theo ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM), là di cư lao động. Theo ông Khải, trên 20% hộ gia đình được phỏng vấn cho biết có ít nhất một thành viên trong gia đình đã di cư đến nơi khác. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi này là để kiếm tiền giúp gia đình sau một biến cố bất ngờ như thiên tai, bão lụt. Các khoản tiền gửi về quê của lao động di cư trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của các hộ gia đình và dự kiến xu hướng này sẽ còn gia tăng trong tương lai.
Nếu nhìn một cách tổng thể, theo báo cáo, phúc lợi hộ gia đình đã được nâng cao, tuy nhiên ngay cả ở các tỉnh được coi là “thành công”, mức độ phúc lợi của nhiều hộ gia đình vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt, ở các nhóm người dân tộc thiểu số, mức độ phúc lợi thường có xu hướng bị tụt hậu.
Một điểm đáng chú ý là mức độ phúc lợi bình quân của tỉnh Lào Cai đang bị giảm xuống, bất chấp bối cảnh nền kinh tế vĩ mô vẫn đang tăng trưởng. Điều này, theo ông Lưu Đức Khải là trái với những nghiên cứu trước đó khi Lào Cai luôn được coi là tỉnh có mức phúc lợi tốt cho người dân nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn