Cách đây 70 năm, vào ngày 27/7/1947, Hùng Sơn vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi mít tinh công bố Ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc.
Thu hái chè chất lượng cao tại vùng chè đặc sản La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Dưới bóng cây đa, ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn chia sẻ: Với truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở thị trấn Hùng Sơn luôn đoàn kết vươn lên trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Năm 2014, Hùng Sơn là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
Ông Lê Chí Thắng là thương binh hạng 1/4 trú tại tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn. Ông Thắng nhập ngũ năm 1969, thuộc biên chế Đoàn 559 bộ binh, tham gia chiến đấu tại mặt trận Nam Lào và bị thương năm 1971. Sau khi xuất ngũ, trải qua nhiều vị trí công tác, ông nghỉ hưu và quyết định mở xưởng sản xuất, mua bán tôn, sắt.
Đến nay, xưởng sản xuất của ông đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5- 6 triệu đồng/tháng.
Ông Thắng chia sẻ: “Mặc dù sức khỏe hạn chế, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất, phát triển kinh tế". Không chỉ riêng ông Thắng, thị trấn Hùng Sơn còn có nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh khác đã vươn lên trở thành những tấm gương điển hình trong lao động sản xuất.
Trong sản xuất nông nghiệp, người dân Hùng Sơn giờ đây đã hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo môi trường sống trong lành và mang lại thu nhập cao hơn. Hợp tác xã rau an toàn tại thị trấn Hùng Sơn là một trong những mô hình nổi bật ở địa phương. Các thành viên hợp tác xã cho biết, thay vì bón phân, phun thuốc không theo lịch trình, nay sản xuất rau an toàn, các thành viên đã lập sổ theo dõi quá trình chăm sóc rau màu theo đúng quy trình, sử dụng các loại phân bón hữu cơ.
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng các loại chế phẩm hữu cơ, cấm tuyệt đối việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học có hại; đồng thời, vận động các thành viên tổ sản xuất của hợp tác xã chuyển sang sử dụng các loại thuốc an toàn cho sức khỏe con người mà vẫn tốt cho cây trồng, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Sản phẩm rau của hợp tác xã luôn được thị trường đón nhận, thu nhập của các xã viên được tăng lên và đây cũng là niềm vui để nông dân Hùng Sơn tích cực hưởng ứng đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ.
Anh Đỗ Văn Long, xã Cát Nê, huyện Đại Từ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo để đầu tư nuôi gà lai chọi, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Hiện nay, tại thị trấn Hùng Sơn, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. Đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng được hoàn chỉnh phục vụ nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn Nguyễn Hữu Quyết khẳng định: Thị trấn sẽ triển khai quyết liệt các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, gắn với thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Để thực hiện được điều này, các đảng viên trong Đảng bộ sẽ là những cán bộ tiên phong, cùng nhân dân góp phần xây dựng mảnh đất cách mạng Hùng Sơn ngày một giàu mạnh.
Theo TTXVN