Chủ động tháo gỡ “nút thắt”
Tỉnh An Giang luôn quán triệt quan điểm ủng hộ và đồng hành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp theo phương châm: “Trách nhiệm, Thân thiện, Một cửa”.
Cụ thể, luôn chủ động xắn tay cùng các nhà đầu tư tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, đồng thời nỗ lực kiến tạo một môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, thuận lợi nhất. Luôn minh bạch hóa các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, các hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư… để nhà đầu tư nắm rõ; đồng thời chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn để củng cố niềm tin đối với các nhà đầu tư.
UBND tỉnh cùng với các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại thường kỳ với doanh nghiệp, đồng thời có công văn chỉ đạo rất sâu sát đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp. Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần nhiều hơn nữa những chính sách riêng biệt cho hạ tầng, nhất là giao thông, để tạo dấu ấn nhà đầu tư, dự án lớn. Đối với những doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ thì các chính sách hỗ trợ cần thật sự đi sát với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh: “Phải nhìn nhận tất cả những cái khó, cái vướng trên tinh thần cầu thị mới giúp An Giang khai thác lợi thế, tiềm năng mà thu hút đầu tư, nhất là doanh nghiệp mới, tập đoàn kinh tế vào An Giang. Một mặt phải tự thân vận động, mặt khác cần phản ánh, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đang rất yếu, song song đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, mấu chốt là An Giang phải biết đang thua, đang yếu ở đâu để xử lý ngay mà phát triển”.
Nông dân vùng biên giới huyện An Phú (An Giang) đang thu hoạch ớt. |
Tập trung thu hút đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
An Giang là tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá sớm so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước trên cơ sở phát triển đồng bộ 4 yếu tố: Quy hoạch vùng sản phẩm, lựa chọn công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực và mở rộng thị trường tiêu thụ… Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển.
Tỉnh An Giang đã và đang tập trung ưu tiên các chương trình hợp tác trọng điểm với Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản nhằm đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Để thu hút đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải triển khai thực hiện Đề án tạo quỹ đất; vận dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư.
Nghiên cứu thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp hoặc tăng quy mô vốn, mở rộng lĩnh vực, loại hình đầu tư của quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang sẵn có để đủ lớn về nguồn vốn để bảo lãnh vốn cho doanh nghiệp, cho vay ưu đãi và hỗ trợ bù lãi suất.
Định hướng chung về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh là đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, về quản lý sản xuất hiệu quả trong các lĩnh vực có liên quan, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, An Giang sẽ kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án trong 5 lĩnh vực gồm: nông nghiệp, dịch vụ - du lịch, công nghiệp, giao thông, xây dựng và phát triển đô thị, y tế. Trong số 54 dự án này, có 14 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 22 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ - du lịch, 14 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 1 dự án ở lĩnh vực giao thông và y tế, 3 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị.
Quý 1-2018, tỉnh An Giang thu hút 19 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 6.264 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hút được hai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 10,53%/tổng dự án) với tổng vốn đăng ký là 5.030 tỷ đồng (chiếm 80,3%/tổng vốn đầu tư). Riêng phát triển doanh nghiệp, quý 1 trên địa bàn tỉnh có 178 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.472 tỷ đồng… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn