18:14 EDT Thứ tư, 01/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

An toàn thực phẩm: khâu đột phá cải cách hệ thống?

Thứ bảy - 21/05/2016 10:23
Trong ngổn ngang các vấn đề bức xúc, việc tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn an toàn thực phẩm (ATTP) như trọng tâm đầu tiên trong chương trình nghị sự của mình đã được người dân hoan nghênh.
An toàn thực phẩm: khâu đột phá cải cách hệ thống?

An toàn thực phẩm: khâu đột phá cải cách hệ thống?

Ăn ngon là việc của mỗi người, nhưng ăn cho an toàn lại là việc của cộng đồng, của xã hội và thuộc trách nhiệm chính trị và pháp lý của Nhà nước.

Cha chung, dân khóc

Tại sao bao năm qua, từ các cơ quan chính quyền, các tổ chức đoàn thể đến mức độ cao nhất là toàn hệ thống chính trị, tất cả được kêu gọi vào cuộc mà bài toán bảo đảm ATTP vẫn không giải được? Thậm chí, tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn, tới mức gần như xã hội phải chấp nhận giải pháp “ai lo thân người ấy” (ví dụ tự trồng rau sạch trên căn hộ chung cư hay nhờ người nhà quê nuôi hộ mấy con gà).

Không ai mô tả thực trạng quản lý nhà nước về ATTP đúng và hay hơn ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM, khi nói đại ý rằng: cả ba bộ (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương) đều nói rất hay về hoàn thành nhiệm vụ nhưng dân vẫn kêu thực phẩm bẩn.

Đọc các văn bản pháp luật, từ Pháp lệnh Vệ sinh ATTP năm 2003 đến Luật ATTP năm 2010, không thấy có điều gì phàn nàn bởi trong đó đã có đủ những gì mà Nhà nước, xã hội và người dân phải làm để có thực phẩm an toàn. Nhìn vào một thông tư liên tịch do ba bộ nói trên ban hành năm 2014 về phân công nhiệm vụ thì còn thấy “thú vị” hơn nữa, chức năng quản lý được minh định rất tỉ mỉ và chặt chẽ. Thử hình dung bạn vào một nhà hàng uống cốc sinh tố và bị đau bụng, sẽ có cả ba bộ cùng vào cuộc: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý “rau, củ, quả”, Bộ Y tế quản lý “đá thực phẩm” và Bộ Công Thương quản lý “nước giải khát dùng ngay”. Nhà hàng có thể sẽ bị phạt nặng còn cái bụng của bạn thì vẫn đau!

Ăn ngon là việc của mỗi người, nhưng ăn cho an toàn lại là việc của cộng đồng, của xã hội và thuộc trách nhiệm chính trị và pháp lý của Nhà nước.

Rất có thể chính cái “điều giản dị” ấy đã thôi thúc ông Đinh La Thăng sau đó kêu gọi các cấp chính quyền hãy “hành động vì dân”.

Tuy nhiên, mô tả đúng thực trạng và đề ra giải pháp đúng đã khó nhưng để thực hiện hiệu quả giải pháp còn vạn lần khó hơn.

Do hệ thống đánh giá

Trước hết hãy lý giải cái hiện tượng luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành. Nhiều người cho rằng đó là căn bệnh thành tích của các cá nhân. Nhưng như vậy là quy cho khuyết điểm về tâm lý của con người mà bỏ qua nhược điểm căn bản của hệ thống.

Trong lịch sử Nhà nước Liên Xô trước đây, người ta thường nói đến quyền lực khủng khiếp của Ủy ban Kế hoạch nhà nước, nơi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, nhưng giờ ai đọc các bản mô tả thành tích của nó hẳn đều phì cười vì sự... kỳ cục. Ví dụ: Cùng một sản phẩm tạo ra thì đồng thời được nhiều bộ với các chức năng khác nhau nhưng có liên quan cùng tính công lao; cuối cùng, bộ nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không ai biết kết quả đầu ra với các tác động về kinh tế - xã hội là gì. Đặc biệt hơn, trong cái hệ thống đánh giá ấy, dường như không có mặt người dân với đời sống thực tế và mức độ hài lòng của họ.

Thật ra các bộ trưởng cũng là con người và họ cần được thăng tiến khi làm việc. Vấn đề là người đánh giá công việc và quyết định sự thăng tiến của họ luôn luôn là cấp trên chứ không phải người dân. Do đó, có thể nói rằng chính cái hệ thống được tồn tại và vận hành “cho cấp trên và vì cấp trên” ấy đã đẻ ra căn bệnh thành tích trầm kha, trở thành nạn dịch mà khó có ai trong cùng hệ thống có thể tránh được.

Cái hệ thống này cũng có mặt ở nước ta bao nhiêu năm qua, cho nên, một khi các cấp chính quyền nêu cao khẩu hiệu “hành động vì dân” thì đó chính là một tuyên bố có tính cải cách hệ thống. Tuy nhiên, liệu rằng điều này trên thực tế có dễ thực hiện không và để trả lời, người ta hoàn toàn có quyền tin tưởng hay nghi ngờ.

Trở lại vấn đề bảo đảm ATTP như là điều sơ khai và thiết thực nhất trong đời sống của bất cứ xã hội nào, đó sẽ được coi là phép thử tối thiểu nhưng mang ý nghĩa lớn lao đối với năng lực hành động thực tế của Chính phủ vừa mới được kiện toàn.

Từ kinh nghiệm của mấy chục năm đổi mới vừa qua, có thể tiên lượng những khó khăn để “vượt qua thử thách” nếu thiếu các hành động mang tính cải cách hệ thống.

Ba vấn đề mấu chốt

Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về quản lý vệ sinh, ATTP vừa diễn ra, như thường lệ, đã liệt kê hàng loạt giải pháp và nhiệm vụ cần được triển khai bởi các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, nếu coi đây là một chương trình cải cách thực sự của Chính phủ, thì từ góc độ xã hội và người dân, có ba vấn đề mấu chốt được đề xuất sau đây.

Thứ nhất, cần thiết chỉ định một cơ quan nhà nước thống nhất chịu trách nhiệm về ATTP.

Có thể nói trong nhiều năm qua ở nước ta đã có sự trượt dài trên thực tế dẫn đến xóa nhòa ranh giới các khu vực chịu trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành và cấp chính quyền. Chẳng hạn khi nói về trách nhiệm, từ lúc ban đầu là nói đến bộ, ngành cụ thể, sau đó nói đến “các ngành, các cấp” và nay là nói đến “toàn hệ thống chính trị”. Trong lĩnh vực ATTP, ít nhất có ba bộ ngành liên quan như đã nói ở trên, nhưng hãy hỏi tại sao lại không phải là một cơ quan hay bộ duy nhất? Phải chăng vẫn còn sự nhầm lẫn trong quan niệm về quản lý nhà nước”.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước không thực hiện quản lý xã hội như trước mà thay vào đó, chỉ giám sát tuân thủ và thực thi pháp luật. Nếu vẫn kiên định “ôm” chức năng quản lý, ví như một người muốn “quản lý” toàn diện một người khác, thì việc mở rộng các chủ thể đồng quản lý và không ngừng phình to bộ máy và biên chế của chính quyền là không tránh khỏi. Do vậy, hãy cải cách bằng việc chỉ định hay thành lập một cơ quan nhà nước duy nhất theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm về ATTP, trong khi mọi cơ quan, tổ chức khác chỉ đóng vai trò phối hợp và hỗ trợ.

Điều này cũng là thực tế ở nhiều nước trên thế giới với sự kết hợp thông thường giữa cơ quan giám sát ATTP và bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Thứ hai, cần thiết xác định thước đo mới về trách nhiệm hay sự hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan quản lý ATTP.

Từ nhiều năm qua, thế giới đã thực hành một phương pháp quản trị chiến lược hiện đại được gọi là quản trị dựa trên kết quả (Result Based Management) được áp dụng trong cả hai khu vực công và tư. Tại Việt Nam, mặc dù một số cơ quan bộ, ngành và tổ chức đã được huấn luyện triển khai phương pháp quản trị này, nhưng về cơ bản, toàn bộ khu vực quản trị công vẫn được vận hành theo các phương pháp của cơ chế cũ, xét cả về tư duy lẫn hành động. Chẳng hạn, sự hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cơ bản dựa trên báo cáo của chính cơ quan đó, được thực hiện theo cách thống kê các công việc đầu vào và kết quả đầu ra trực tiếp kèm theo sự tự nhận định và đánh giá. Cơ chế báo cáo và đánh giá này chủ yếu phục vụ cấp trên, không gắn với trách nhiệm giải trình và gây nên căn bệnh thành tích khó chữa.

Cải cách hệ thống trong lĩnh vực ATTP đòi hỏi áp dụng phương pháp theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả (Result Based Monitoring and Evaluation) đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước có liên quan. Theo đó, sẽ thực hiện hai nguyên tắc căn bản. Thứ nhất, theo dõi và đánh giá toàn diện từ hoạt động đầu vào (Activities), kết quả thực hiện (Output), tác động trực tiếp (Outcome) và tác động gián tiếp (Impact). Thứ hai, việc đánh giá cần được tiến hành hoặc thẩm định bởi các bên độc lập và công khai với người dân. Chẳng hạn, khi đánh giá về hiệu quả kiểm soát đối với rau an toàn, sẽ không chỉ liệt kê baonhiêu đoàn thanh, kiểm tra và bao nhiêu vụ vi phạm được phát hiện, xử lý mà còn tỷ lệ từng loại rau an toàn trên thị trường là bao nhiêu và tình hình sức khỏe của người dân được cải thiện từ đó thế nào...

Thứ ba, cần thiết huy động sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực ATTP và bảo vệ người tiêu dùng.

Kinh nghiệm từ khắp các quốc gia cho thấy các tổ chức xã hội luôn luôn có năng lực phản ứng và hành động nhanh, chính xác, ít tốn kém và mang lại hiệu quả thiết thực đối với các vấn đề xã hội phát sinh, bởi nó hoạt động theo các nguyên tắc chính là sự tự nguyện, tính chuyên biệt cao và gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Hoạt động của các tổ chức xã hội có ý nghĩa rộng hơn là bù đắp các thiếu hụt và khắc phục được các nhược điểm của bộ máy hành chính.

Lĩnh vực ATTP rộng lớn, đa dạng và phức tạp bởi liên quan đến cuộc sống và lợi ích của mọi thành viên trong xã hội. Do đó, để cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn” có thể thành công như Chính phủ vừa cam kết, cần thiết phải có sự tham gia của các tổ chức xã hội với sự gắn kết hành động của các cộng đồng từ cả hai phía: các nhà sản xuất, cung ứng thực phẩm và người tiêu dùng.

theo Saigon Times

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 214

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 212


Hôm nayHôm nay : 28898

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 67301

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60389258