Gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ thôn 6 xã Hùng Sơn là một trong những hộ tiên phong cải tạo vườn tạp sang trồng các giống bưởi và thanh long ruột đỏ. Ông Thọ chia sẻ: Trước đây, gia đình ông cũng đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau như tiêu, vải thiều nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Đầu năm 2014, thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả của xã, gia đình ông đã trồng 60 gốc bưởi gồm bưởi da xanh, bưởi hồ lô Mỹ, bưởi Phúc Trạch và 50 gốc thanh long ruột đỏ vào trồng trên diện tích 3 sào đất vườn của gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ thôn 6 xã Hùng Sơn là một trong những hộ tiên phong cải tạo vườn tạp sang trồng các giống bưởi và thanh long ruột đỏ. Ảnh: Thái Hiền |
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay 10 gốc bưởi da xanh đã cho thu hoạch được 2 năm, với giá cả ổn định từ 20- 25.000 đồng/quả, bình quân mỗi năm sau khi trừ các chi phí gia đình ông Thọ thu về 40 triệu đồng từ mô hình trồng bưởi này.
Không dừng lại ở đó, ông Thọ trồng thêm 40 gốc thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, giống cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 7- 8 lứa quả, từ tháng 4 - 10 trong năm. Năm nay, mỗi lứa hái gia đình ông thu được khoảng 2 tạ thanh long, với giá trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình ông thu nhập đạt trên 20 triệu đồng.
40 gốc thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ mỗi lứa hái thu được khoảng 2 tạ quả. Ảnh: Thái Hiền |
Chúng tôi ghé thăm 150 gốc bưởi da xanh ruột hồng trĩu quả hơn 5 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Đình Đức thôn 4 xã Hùng Sơn mới thấy được sự cần lao, vất vả để cho ra “quả ngọt” của gia đình ông. Ông Đức phấn khởi tâm sự: Trước đây trên khu vườn gần 10 sào của gia đình mặc dù điều kiện sản xuất rất thuận lợi nhưng không được đầu tư một cách hợp lý.
Sau khi xã phát động cải tạo vườn tạp, ông đã tham gia, từ vài chục cây bưởi ban đầu cho hiệu quả rõ rệt, ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay gia đình có 150 gốc bưởi da xanh ruột hồng; 30 gốc cam, quýt; 20 gốc ổi và 10 gốc táo đại, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Tý- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn cho biết: Để thực hiện tốt đề án cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập cho hội viên gắn với xây xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã Hùng Sơn đã tổ chức khảo sát hiện trạng vườn nhà các hội viên và hàng năm phối hợp với các ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kỹ thuật trồng cây ăn trái cho hội viên được tiếp cận.
Gia đình ông Nguyễn Đình Đức thôn 4 xã Hùng Sơn trồng 150 gốc bưởi da xanh ruột hồng đã được 5 năm.. Ảnh: Thái Hiền |
Đồng thời giao cho BCH, chi hội trưởng tổ chức hướng dẫn cho hội viên xây dựng mô hình có hiệu quả đề án đến tận cán bộ hội viên và giao chỉ tiêu mỗi chi hội phải xây dựng 1 đến 2 mô hình cụ thể mỗi năm. Hiện nay toàn hội đã có 17 mô hình cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập 50 - 100 triệu đồng/ năm.
Hiện nay toàn huyện Anh Sơn có trên 600 ha diện tích cây ăn quả. Một số loại cây ăn quả có diện tích lớn như: Cam trên 100 ha, bưởi 40 ha, chuối trên 300 ha. Đặc biệt, hiện nay, nhiều hộ dân đã chủ động đưa các loại giống cây ăn quả cho năng suất, chất lượng cao vào trồng nhằm tăng cao hiệu quả kinh tế như táo đại, thanh long, nhãn, mít Thái..
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Để mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả cao, Hội Nông dân huyện Anh Sơn đã đưa việc phát triển mô hình vào chỉ tiêu thi đua, gắn cải tạo vườn tạp với việc chỉnh trang nhà cửa, chuồng trại trong xây dựng nông thôn mới... Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 1.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 14.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Tác giả bài viết: Thái Hiền
Nguồn tin: www.baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn