Với nụ cười tươi rói, Ong Thế Dũng niềm nở tiếp đón mọi người, nhìn dáng người dong dỏng, gương mặt thư sinh, ít ai nghĩ chàng trai trẻ ấy lại "dũng cảm" đến vậy. Theo học và tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, những tưởng tương lai Dũng sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin nhưng Dũng lại nghiên cứu thành công cách nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, Dũng cho biết, hơn 2 năm trở về trước người bác họ của mình phải nhập viện vì bị bệnh cao huyết áp và một số bệnh liên quan tới gan... Sau thời gian điều trị và nghỉ dưỡng tại bệnh viện được bác sỹ giới thiệu nấm đông trùng hạ thảo tốt đối với sức khỏe của người bệnh. Vào chơi và nói chuyện với bác, bác cho biết, khi sử dụng đông trùng hạ thảo, sức khỏe có tiến triển và đó là động lực để Dũng tìm hiểu, nghiên cứu về dược liệu quý này. Ngoài việc nghiên cứu qua sách báo, mạng internet, Dũng đã lặn lội tìm đến các các mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh, Lai Châu... để tìm hiểu thêm về cách nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Sau hơn 02 năm tìm hiểu kỹ và được sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình cùng những chia sẻ quý báu của những người chú, người anh đi trước, Ong Thế Dũng đã bắt tay vào công việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Cuối năm 2017, được sự ủng hộ từ gia đình, Dũng mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị… để nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, sau khi nuôi cấy, số lượng đông trùng hạ thảo bị nhiễm bệnh và bị hỏng vì kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, trang thiết bị chưa đảm bảo, nhiệt độ khi nuôi cấy chưa hợp lý... Không không nản chí, Dũng tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, đầu tư máy móc để khắc phục những thiếu sót của mình và em đã thành công.
Theo Dũng, để nuôi đông trùng hạ thảo, khâu làm giống rất quan trọng. Ban đầu Dũng ra Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam để mua giống và nhập một phần nguồn giống từ Trung Quốc. Sau khi mua giống, em đem về kiểm nghiệm giống thấy chất dinh dưỡng đảm bảo thì mới cho vào nuôi cấy. Hiện nay, diện tích nuôi trồng của em rơi vào khoảng 40m2, thời gian từ lúc bắt đầu nuôi cấy đến khi thu hoạch là 65 - 70 ngày. Trung bình mỗi tháng em cho ra được 40 - 50 kg đông trùng hạ thảo tươi, giá bán hiện tại cho 1 kg thành phẩm tươi là 5 triệu đồng/kg, 50 triệu đồng/kg sản phẩm khô được đóng túi với mẫu mã đẹp, ghi rõ địa chỉ xuất xứ và công dụng của sản phẩm.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, em cho biết, trong quá trình nuôi cấy em chủ yếu tự mày mò, nghiên cứu, bởi mỗi người lại có một cách làm khác nhau để cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Hiện em đang cấy trên nhộng tằm và đang nghiên cứu cấy trên sâu. Theo đó, để nấm phát triển tốt, đảm bảo chất lượng cần chú ý nguồn nguyên liệu để thực hiện nuôi trồng phải sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và không có chất độc hại như gạo lứt, nhộng tằm và một số chất dinh dưỡng khác. Tất cả quy trình sản xuất khép kín được khử trùng, để nguội, cấy giống cấp 1, cấp 2 và sau đó bơm giống vào giá thể, tiếp đó đến ươm sợi, kích thích tạo quả thể, nuôi quả thể và thu hái, điều kiện nuôi cấy luôn phải đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Đông trùng hạ thảo khi thu hoạch có màu vàng sậm, sợi đều. Đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng như hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến tim, phổi, huyết áp, bồi bổ sức khỏe sau đau ốm,... nên được thị trường rất tin dùng, đón nhận.
Tin rằng, với sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự say mê, yêu nghề Ong Thế Dũng sẽ ngày càng thành công trong việc nuôi cấy loại dược liệu quý đông trùng hạ thảo, qua đó mở rộng sản xuất, mở rộng quy mô, thị trường để đạt được những mong muốn của mình là làm đa dạng thêm các sản phẩm được chế biến từ đông trùng hạ thảo, đưa sản phẩm đến nhiều đối tượng người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Nguyễn Khương - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn