20:19 EST Thứ ba, 24/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Bác Hồ đối thơ cùng Bộ trưởng

Thứ bảy - 01/02/2014 10:42

Cho đến ngày nay, có lẽ vẫn còn có ai đó thắc mắc không hiểu vì sao Cụ Hồ lại chọn một luật sư chưa từng qua bất kỳ một khóa huấn luyện quân sự nào như Phan Anh vào giữ trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập vào ngày 2/3/1946 sau ngày Tổng tuyển cử.

Ngay cả Tiến sĩ Luật đầu tiên của Chính phủ mới, luật sư Phan Anh cũng không khỏi ngỡ ngàng. Còn nhớ, trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Hồ Chủ tịch đã cho mời Phan Anh tới Bắc Bộ phủ, và tại đây, Người đề nghị Phan Anh nhận nhiệm vụ này.

Rất xúc động trước sự tin cậy của vị Chủ tịch nước, nhưng Phan Anh vẫn xin được từ chối bằng cách tiến cử người bạn thân thiết là Hoàng Xuân Hãn – một trí thức lớn, rất tài năng và đã từng học Trường quân sự cao cấp Polytechnique ở Paris – Pháp.

Cụ Hồ nhẹ nhàng mà rằng “chú đừng ngại, tuy chú đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng nhưng không phải tập trung công việc vào chuyên môn quân sự vì đã có chú Giáp lo. Nhiệm vụ của chú là tập trung vào những vấn đề chính trị, nhằm đoàn kết trong ngoài”.

Người ta đều biết đến tài “dụng nhân” của Cụ Hồ. Trong trường hợp này, càng thể hiện vị Chủ tịch có con mắt rất tinh đời, nhìn xa, trông rộng. Ai cũng biết thời điểm đó, thù trong giặc ngoài, Pháp đang lăm le trở lại tái xâm chiếm, 20 vạn quân “Tầu ô” thì hoành hành, bên trong, lợi dụng tranh tối, tranh sáng, rất nhiều thế lực phản động lợi dụng tình hình cũng đòi có chân trong Chính phủ Liên hiệp. Chọn một trí thức nổi tiếng như Phan Anh là một “nước cờ hay”.

Trong giới trí thức thời đó, Phan Anh nổi lên như một ngôi sao vừa truyền thống, vừa hiện đại. Ông vừa tham gia học Luật cùng lứa với Võ Nguyên Giáp (Phan Anh và Võ Nguyên Giáp cùng sinh năm 1911 theo trí nhớ của vợ ông – bà Hồng Chỉnh). Năm 1937, ông tốt nghiệp khoa Luật, đứng thứ nhì (do là người bản xứ nên phải xếp sau một người Pháp).

Lúc đó, ít ai biết được rằng, mấy cha con Phan Anh, trên bước đường lưu lạc, đã từng bị coi như “những kẻ ăn mày”. Cha của Phan Anh là Phan Điện kết duyên với một hậu duệ của cụ Phan Đình Phùng. Nhà nho nghèo Phan Điện là hiện thân của lớp người “bất đắc chí” chuyên làm thơ trào phúng, đả kích những kẻ tai to mặt lớn của chính quyền đương thời.

Cụ có nét hao hao với cụ Nguyễn Sinh Sắc về đường thi cử. Đi thi rất nhiều nhưng không gặt hái được gì. Cuộc sống quanh năm của gia đình đều trông chờ vào gánh hàng xáo của vợ. Sinh được 2 người con trai, cụ đặt tên là Anh và Mỹ vì “nghe nói bên Trời Tây, có hai nước rất văn minh, hiện đại là Anh và Mỹ” – có lần cụ nói vậy.

Khi Phan Anh 10 tuổi thì mẹ qua đời. Ba cha con không biết nương tựa vào đâu, đành dắt díu nhau ra đất Bắc (quê ở làng Tùng Ảnh – Đức Thọ - Hà Tĩnh) hành nghề “gõ đầu trẻ” để kiếm kế sinh nhai.

Công việc lúc có lúc không cho nên nơi ăn, chốn ở cũng phập phù bữa đói, bữa nhịn. Một bữa, ba cha con tới đất Đại Từ - Thanh Oai thì trời đã tối, trời lạnh quá, bụng đói meo, vẫn chưa biết đêm nay chui vào đâu. Người em Phan Mỹ đói quá, đành hỏi cha “Đêm nay ăn gì, ngủ ở đâu cha?”. Người cha Phan Điện không biết trả lời con ra sao đành ậm ừ cốt cho qua.

Đúng lúc đó, có người phụ nữ đi qua, trông thấy 3 cha con, liền buông một câu: “Sao đi đâu mà thất thểu như ăn mày thế?”. Quên hết cả đói, mệt, “máu sĩ” trong người nổi lên, Phan Điện liền ứng khẩu bài thơ “Hai chú”:

“Hai chú đi đâu giống kẻ mày

Vì chưng dân nước gặp hồi Tây

Mắt trần nào kẻ không người biết

Óc trẻ còn mong học mọi hay

Trời đất năm châu quần sóng gió

Anh em một bụng giữ tin ngay

Ai ơi chớ vội khinh hai chú

Xoay xỏa non sông cũng một tay”

Chính từ tấm gương của cha, cộng với những ngày tháng gian nan, khốn khó ấy đã hun đúc trong hai anh em họ Phan một ý chí sắt đá vượt qua mọi khó khăn để trở thành những nhà chí sĩ nổi tiếng. Đúng như lời cha ứng khẩu khi xưa, sau này, Phan Mỹ cũng đã đậu luật sư, theo cách mạng và từng giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Còn Phan Anh, như mọi người đã biết, là Bộ trưởng của 5 Bộ trong suốt 30 năm. Ngoài ra Phan Anh cùng với luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập ra Hội Luật gia Việt Nam và Phan Anh cũng là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Luật gia. Vị trí thức này còn được giao nhiều chức vụ quan trọng khác như Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội…


Phan Anh (hàng đầu, bên phải) cùng Nguyễn Văn Huyên trong đoàn đại biểu Chính phủ VN dự một cuộc tiếp tân tại Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi hàng ghế phía sau 
- Ảnh tư liệu

Bình sinh, nghề chính của Phan Anh là luật sư, ông cũng chính là người đảm nhận vai trò luật sư bào chữa cho nữ sĩ Nguyễn Thị Quang Thái trong lúc Võ Nguyên Giáp đã thoát ly sang Trung Quốc. Ngoài ra, Phan Anh rất tinh thông tiếng Pháp (ông từng được cử làm Tổng thư ký cho phái đoàn của ta sang dự Hội nghị Fontainebleau do Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn), giỏi chữ Hán, và đặc biệt được thừa hưởng từ cha khả năng “xuất khẩu thành thơ”.

Cụ Hồ rất “khoái” “tài lẻ” này của Phan Anh, nên thi thoảng sau những giờ làm việc căng thẳng, hai “thầy – trò” lại… chơi thơ.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan đã sưu tầm được câu chuyện rất lý thú diễn ra giữa người điều hành Quốc gia và vị Bộ trưởng Phan Anh. Dạo đó, Phan Anh đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương, trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ, mọi người bàn về một số việc, trong đó có thuế. Sau nhiều giờ tranh luận sôi nổi, lúc kết thúc phiên họp, dường như để xóa đi không khí căng thẳng, Bác Hồ gợi ý “Chú Phan Anh đọc thơ nào?”. Chỉ trong giây lát, Phan Anh đọc liền một mạch:

“Con cò lặn lội bờ sông

Thóc thuế gánh gồng, tiếng hát véo von

Mấy lời Bác dạy sắt son

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua

Diệt thù giải phóng quê ta

Ấy là nghĩa nặng ấy là tình sâu”

Những người tham gia cuộc họp đều vỗ tay ngợi khen sự ứng biến tài tình, nhanh lẹ của Phan Anh, song, Cụ Hồ ra hiệu ngừng “hoan nghênh” rồi đọc thêm hai câu cuối nối mạch với Phan Anh: “Đành lòng chờ đợi ít lâu/Chầy ra là một vài năm chứ gì?”. Mọi người lại vỗ tay, Cụ Hồ cầm lấy áo khoác bước ra đến cửa rồi ngoảnh lại đọc tiếp một câu: “Nói rồi xách áo ra đi…”.

Bẵng một thời gian, chừng 7 – 8 năm sau, cũng sau một phiên họp Hội đồng Chính phủ, đêm đã khuya, Cụ Hồ ngắm cảnh trăng đêm và lấy bút chì viết trên một miếng giấy nhỏ những dòng chữ Hán, theo lối chữ “Thảo” tốc ký nên không phải ai biết chữ Hán cũng có để đọc được ngay:

"Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ

Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền

Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu

Huề chẩm song bàng đối nguyệt miên".

Sau đó, Cụ Hồ đưa cho Phan Anh mảnh giấy đó và chờ một lời bình. Đọc xong bài thơ chữ Hán, Phan Anh xin phép không bình luận và dịch luôn, nguyên văn như sau:

“Ngoài sân trăng sáng lồng cây

Trăng đưa bóng ngả, bóng cài bên song

Việc quân, việc nước bàn xong

Bên song ôm gối, gối cùng trăng mơ!”

Thật là diệu kỳ. Hai bài thơ – hai tâm hồn tâm sự, sao mà đồng điệu đến thế!

Trong một lần trò chuyện, Cụ Hồ hỏi Phan Anh: Này, chú Phan Anh, chú có biết trong Tam Tự Kinh có câu gì ứng vào việc khen thưởng gia đình có con đi bộ đội không? Phan Anh thưa ngay: Đó là câu “Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương giáo ngũ tử, danh câu dương" (ông Đậu Yên Sơn có phương pháp giáo dục tốt 5 đứa con đều nổi tiếng, nên người).

Cụ Hồ lại hỏi thêm: - “Chú có biết câu “Không sợ ít mà sợ không đều, không sợ nghèo mà sợ không yên” xuất xứ từ đâu? - Thưa đó là câu “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân. Bất hoạn bần nhi hoạn bất an”.

Chắc chắn rằng, trong mối quan hệ ngoài công việc giữa vị Chủ tịch nước và Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên còn nhiều điều ít người biết tới. Chỉ biết rằng, vị Chủ tịch nước rất quan tâm tới vị luật sư tài ba, đầy tâm huyết.

Khi Phan Anh đón đứa con mới chào đời, Cụ Hồ cũng gửi mừng bằng một bài thơ. Cụ Hồ còn tặng riêng cho Phan Anh một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, bên trong có in hình Chủ tịch. Sau này, vợ Phan Anh đã cùng các con cháu tặng lại kỷ vật quý báu đó cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Một lần, nghe tin Phan Anh ốm nặng, vì bận việc nước không đến thăm được, Cụ Hồ đã nhờ người gửi tới Phan Anh một bài thơ đẫm tình như sau:

“Điện thường tới, người chưa thấy tới

Bức màn thưa thường dõi bóng dương

Bóng dương mấy lúc xuyên ngang

Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai”.

Nghe nói, khi đọc xong bài thơ này, vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, đã rơi nước mắt!

Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 293

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 290


Hôm nayHôm nay : 53558

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1072136

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72754845