Theo TTXVN, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.
Đến nay, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt- Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng. Qua thực tế khảo sát cho thấy, mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng người nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi áp dụng sản xuất.
Đặc biệt, với “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, sau hơn một năm từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, đến nay tất cả các hồ sơ, thủ tục, các điều kiện liên quan đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, dự kiến sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong giữa đầu Quí I năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để Bạc Liêu xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hướng đến “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo Đại biểu nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái cho biết: Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, lãnh đạo tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư xây dựng những cánh đồng tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Đặc biệt, xây dựng khu sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao và phát triển mạnh mô hình thực hành thủy sản tốt có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đưa con tôm thẳng tiến “từ ao, đầm trực tiếp đến bàn ăn”.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu con tôm Bạc Liêu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, phát triển và mở rộng thêm thị trường tiềm năng như: Hong Kong, Trung Đông, Đông Âu, ASEAN, Liên minh kinh tế Á - Âu và với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn