Phát huy thế mạnh riêng có là thị trường rộng lớn, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Qua đó, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, từng bước giảm nhập từ nội địa và tham gia xuất khẩu.
|
Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đã mở rộng diện tích nhãn chín muộn lên 165ha. Ảnh: Bá Hoạt |
Nâng cao sức cạnh tranh
Nổi tiếng bởi nhiều nông sản, đặc sản quý, có hương vị đặc trưng và được người tiêu dùng ưa chuộng, vùng ngoại thành Hà Nội đang tập trung sản xuất theo hướng an toàn với lượng lớn, sức cạnh tranh cao nhờ đưa ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Đơn cử, cây nhãn chín muộn ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đã được địa phương mở rộng diện tích đạt 165ha, nhờ áp dụng kỹ thuật mới, sản lượng năm 2018 đạt 2.500 tấn, giá trị khoảng 60 tỷ đồng. Ngoài tiêu thụ trong nước, vừa qua, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thành Nguyễn Huy Anh: "Địa phương xác định, sản phẩm nông sản phải bảo đảm an toàn thực phẩm mới tạo được niềm tin với khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm phải đẹp, vì vậy, địa phương thường xuyên phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến".
Là người có sự gắn bó với nông nghiệp Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thành cho biết, hiện nay rất nhiều mặt hàng của Hà Nội có thể cạnh tranh với nông sản của các tỉnh, thành phố trong nước, thậm chí là nước ngoài. "Hà Nội đã quy hoạch được vùng sản xuất tập trung nên khối lượng tiêu thụ của doanh nghiệp tương đối ổn định. Chẳng hạn, trước đây, công ty ký hợp đồng bao tiêu một số mặt hàng rau an toàn, hữu cơ trên địa bàn thành phố, nhưng số lượng không ổn định, chủng loại thiếu phong phú. Những năm gần đây, nhờ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, người dân đã chủ động trồng được các loại rau, kể cả rau trái vụ... nên doanh nghiệp yên tâm ký kết hợp đồng tiêu thụ. Thực tế, nếu các vùng sản xuất nông sản an toàn của Hà Nội bảo đảm chất lượng và số lượng thì các công ty sẵn sàng ký kết vì giảm được chi phí vận chuyển so với nhập ở các tỉnh, thành phố khác" - bà Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.
Chung quan điểm, ông Nhữ Đình Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Lebio Việt Nam cho biết, thời gian qua, công ty phối hợp với các đơn vị của Hà Nội đẩy mạnh thu mua lợn ở các trang trại. Năm 2017, tuy giá lợn giảm, nhưng tại các trang trại chăn nuôi sạch, do bảo đảm chất lượng, công ty vẫn ký kết hợp đồng bao tiêu với giá cả ổn định. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi ở Hà Nội đang tập trung sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, nên công ty yên tâm về chất lượng so với các vùng nuôi ở các tỉnh, thành phố khác...
Hướng tới phát triển bền vững
Về chiến lược phát triển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Lợi thế của Hà Nội là rõ nét. Tuy nhiên, để nhân rộng những điển hình tốt, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế như hầu hết các ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chủ yếu là mô hình khuyến nông, chưa hình thành vùng, khu sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao...
Trên cơ sở quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi. Cùng với đó là khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất...
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung phát triển cây trồng có thế mạnh như: Mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh từ 6.500 đến 7.000ha; đến năm 2020, có hơn 17.500ha trồng cây ăn quả và 556ha trồng cây chè ứng dụng công nghệ cao... Trong chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển theo hướng sản xuất con giống, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; xây dựng cơ sở giống chất lượng, vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến năm 2020, giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của thành phố.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên, hướng tới hạn chế nhập khẩu sản phẩm của nước ngoài và các tỉnh bạn, Sở đang phối hợp tích cực với các địa phương rà soát, điều chỉnh lại vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành tốt gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, hỗ trợ hình thành và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, liên kết tiêu thụ sản phẩm kết hợp phát triển du lịch và giáo dục trải nghiệm... nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp; áp dụng tin học hóa, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano... trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu sản xuất, chế biến... nhằm giảm giá thành sản xuất.
"Hà Nội tiếp tục tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn ở các địa phương thông qua hội chợ trong và ngoài nước để doanh nghiệp, người tiêu dùng biết đến những mặt hàng có thế mạnh của Thủ đô. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho nông sản Hà Nội tăng giá trị mà còn tạo nguồn nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu..." - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Quỳnh Dung/ Hà Nội mới