Ðại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 (họp tại Pác Bó (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh), các tầng lớp Nhân dân ta không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ trong thời gian ngắn, đối mặt với hàng chục vạn quân Tưởng Giới Thạch, quân đội Anh, nấp sau là quân đội Pháp với vũ khí trang bị hiện đại và hàng tá đảng phái phản động khác, Đảng ta với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo Nhân dân với giáo, mác, gậy gộc là chính, đứng lên giành chính quyền, đập tan ách nô dịch của thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày nay, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ðường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp Nhân dân chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế bình đẳng, đoàn kết với nhau, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Đây là thành phần kinh tế chủ yếu trong loại hình DN vừa và nhỏ, chiếm 98% cơ cấu kinh tế, làm ra trên 40% GDP của nước ta. Làm chủ các DN tư nhân là các đảng viên, cựu chiến binh, thanh niên trẻ, có kiến thức và nhiệt tình trong lao động sáng tạo. Sản phẩm họ làm ra là vật liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của nền kinh tế và người dân hiện nay, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và hội nhập. Ít chịu ảnh hưởng của tư duy kinh tế tập trung bao cấp, các thành viên trong lĩnh vực kinh tế này năng động, sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh, thu hút nhiều năng lực đổi mới, sáng tạo; phù hợp với trình độ quản lý của nền kinh tế đang phát triển.
Tuy vậy, nền kinh tế tư nhân theo định hướng XHCN của nước ta còn gặp không ít thách thức. Trước hết là những định kiến ảnh hưởng tư duy bao cấp cũ ở cả xã hội và pháp luật ngăn trở; các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo níu kéo; các hành vi tham nhũng, gây phiền hà chưa thể dẹp hết; tình trạng buôn lậu, hàng ngoại, hàng giả chèn ép… Mặt khác, nền kinh tế tư nhân cũng mang những nhược điểm cố hữu của kinh tế cá thể. Thế nên, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho các thành viên trong lĩnh vực kinh tế này, khắc phục những tàn dư của tư tưởng, lối sống tiểu tư sản, tiểu nông manh mún, chăm lo lợi ích cá nhân, không nhìn xa trông rộng, cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo, lợi dụng để trục lợi.
Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân là một cuộc cách mạng triệt để và rộng lớn nhằm động viên và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội. Phát huy bài học to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, nhất là hệ thống công đoàn cần chăm lo phát triển nền kinh tế đúng hướng, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua yêu nước; vận động các tầng lớp Nhân dân cùng Ðảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển... Phát triển kinh tế tư nhân cũng là chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và hàng triệu nông dân trong chương trình nông thôn mới sẵn sàng khởi nghiệp, làm giàu cho mình và cho đất nước.
Phát huy bài học đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên thành công của Cách mạng tháng 8 trong giai đoạn hiện nay, động viên toàn bộ sức lực của toàn dân vào sự nghiệp phát triển kinh tế là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.
Theo KTDT