Bài học về sự phát triển nóng nhiều loại cây trồng - vật nuôi
Thứ bảy - 26/10/2019 04:54
Nông dân tự do nuôi - trồng phá vỡ quy hoạch, “được mùa, mất giá”... là vấn đề không mới nhưng lại xảy ra nhiều năm qua. Đâu là giải pháp chiến lược để tháo “nút thắt” này?
Kỳ 2: Định hướng thị trường, phát triển bền vững
Câu chuyện của người trồng bơ
Hai năm qua, bơ Booth mất mùa do mưa lớn vào thời điểm cây ra hoa. Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, cho biết, theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020, diện tích các loại cây cây ăn quả khoảng 7.000ha. Nhưng riêng diện tích trồng bơ hiện đã lên tới 6.000ha và sầu riêng 1.000ha. Rõ ràng, việc mở rộng diện tích hai loại cây này đã phá vỡ quy hoạch.
“Trước mắt, Hội Nông dân sẽ có hướng dẫn và khuyến cáo, tuyên truyền để bớt phát triển nóng, đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức kêu gọi, mời gọi các doanh nghiệp đến Đắk Nông để liên kết với nông dân, tạo ra sản phẩm đảm bảo theo chuỗi giá trị”, ông Gấm cho hay.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bơ vẫn là một trong những cây trồng tiềm năng và có thể trở thành loại nông sản thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Bởi Đắk Nông có điều kiện tự nhiên phù hợp, đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, phù hợp sản xuất bơ. Thực tế, người dân đã trồng thành công nhiều giống bơ chất lượng cao.
“Đắk Nông đang tập trung chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic cho trái bơ. Phát triển song song cả hai dòng bơ. Các loại bơ sáp nội địa, bơ 034, bơ Cuba chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Còn các giống bơ có trọng lượng trái nhỏ hơn, đặc biệt là bơ Hass, sẽ được quy hoạch vùng trồng phù hợp để xuất khẩu”, bà Hạnh chia sẻ.
Đắk Nông có hai nhà máy chế biến rau, củ, quả tại khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút). Tỉnh đang tìm vị trí phù hợp dọc Quốc lộ 14 để Tập đoàn T & T xây dựng nhà máy chế biến bơ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng liên kết với tỉnh để đưa bơ sang nước ngoài.
Đặc biệt, trong tháng 3 vừa qua, trong chuyến thăm New Zealand, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đắk Nông với các bên, bao gồm: Cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand (G2G), Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm và Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao (Samagritech). Đây được xem là cơ hội lớn để nâng cao giá trị trái bơ của Đắk Nông.
Qua đó, có thể thấy, vai trò định hướng, nắm bắt thông tin thị trường, áp dụng khoa học công nghệ và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, tạo sản phẩm chất lượng có thể truy xuất nguồn gốc là yếu tố vô cùng quan trọng trong bài toán quy hoạch và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, ngành Nông nghiệp phải xác định được cho nông dân sản xuất gì có hiệu quả nhất trên diện tích của mình. Bởi vấn đề nuôi - trồng không theo quy hoạch không chỉ vi phạm về quản lý đất đai mà quan trọng nhất là không bền vững.
Phát triển đi đôi với hội nhập
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần phải đánh giá lại quy hoạch thì mới thấy được “nút thắt” đang nằm ở đâu. Trước mắt, cần nhìn nhận hạ tầng nông nghiệp được đầu tư phù hợp với nuôi - trồng sản phẩm nào? Tuy nhiên, khi muốn cải tạo lại cũng gặp phải vấn đề là cải tạo để phục vụ sản xuất cho cây gì, mô hình kết hợp nào vì chưa làm tốt thị trường, chưa nắm rõ nhu cầu của đối tác.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng, thì bài toán quy hoạch càng phải gắn với thị trường và chú trọng nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay, trong quy hoạch vùng nông nghiệp thì thường là duy ý chí thay vì theo nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị, do đó, bản đồ quy hoạch thường là để “trang trí” hơn là để sử dụng.
“Nhược điểm lớn nhất trong quy hoạch của ta là quy hoạch riêng lẻ từng ngành, không tích hợp lại được đồng bộ, ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Rất tốn kém nhưng kết quả cuối cùng vẫn khó hoặc không thực hiện được”, giáo sư Võ Tòng Xuân đánh giá.
Theo các chuyên gia, trước tiên cần xác định trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường ở đâu? Việc điều tra này cần phải có sự tham gia giữa các bộ, ngành, có sự kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Sau đó, chính doanh nghiệp, bằng các thông tin thị trường đầu ra để xây dựng quy mô sản xuất và việc còn lại là Chính phủ, chính quyền địa phương xác định vùng sản xuất với diện tích cụ thể.
Song song đó, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn đã được khoanh vùng để nới rộng hạn điền nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Một số chuyên gia cho rằng, khi đó, việc đầu tư hạ tầng như: thủy lợi, giao thông… sẽ rõ ràng, cùng hướng tới mục tiêu nên tránh được “chưa nắm được nhu cầu”, “đầu tư dàn trải, lãng phí”.
“Quy hoạch tích hợp là quy hoạch gắn kết với thị trường chứ không chỉ để báo cáo hoặc trưng bày. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới sẽ bắt đầu từ đây với vùng nguyên liệu nông, thủy sản từ vài trăm đến vài ngàn hecta. Từ đó, người nông dân sẽ làm giàu trên mảnh đất của mình, ngân sách sẽ giảm bội chi”, giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
Chìa khóa phát triển bền vững
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện mạnh mẽ việc cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn và phù hợp hơn với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác…
Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. Hợp tác xã là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, tính liên kết của các chủ thể trong thời gian qua có bước tiến triển, tuy nhiên, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh, chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết.
Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, để làm tốt vai trò liên kết của hợp tác xã, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, vì hiện người dân chưa nhận thức được vai trò của hợp tác xã kiểu mới, tâm lý hợp tác xã kiểu cũ để lại vẫn nặng nề. Cùng với đó, cần sớm sửa đổi Luật Hợp tác xã, vì sau 7 năm thực hiện, đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, cản trở sự phát triển; sửa Luật Đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất và sớm ban hành nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp.
“Cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho chuỗi liên kết như: quy hoạch vùng về nguyên liệu, phương thức sản xuất, nhà máy chế biến, trung tâm nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ nông dân và chính sách tín dụng và xúc tiến thương mại. Trong hệ sinh thái này, nếu thiếu một mắt xích thì sẽ khó thành công”, ông Thịnh nhận định.
Từ góc nhìn của người làm thực tế, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng, cánh đồng lớn chính là cách tháo gỡ về hạn điền, giảm giá thành sản phẩm, nâng chất lượng sản phẩm... Nhưng để làm được thì doanh nghiệp phải có thương hiệu. Nếu không, bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang cho doanh nghiệp.
“Cần phân vai giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân như ba đỉnh của tam giác đều. Nhà nước ở trọng tâm của tam giác với vai trò kiến tạo, tạo lập luật chơi, trọng tài và chế tài cho liên kết này. Nếu chúng ta xác lập được cơ chế này và phân vai rõ ràng các bên, ai cũng làm tròn vai của mình, sẽ tạo được liên kết bền vững”, ông Thòn hiến kế.