(HNM) - Công tác dân vận ngày càng được coi trọng, bám sát cơ sở, hướng về nhân dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nhân kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2017), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.
- Với phương châm trọng dân, gần dân, công tác dân vận đã được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Theo đánh giá của đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn tới kết quả này?
- Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta và đã dành rất nhiều tâm sức cho nhiệm vụ quan trọng này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Ban Dân vận Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các “điểm nóng” phức tạp trên địa bàn. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân vận có nhiều chuyển biến; công tác dân vận bám sát phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát".
Công tác dân vận cũng gắn với việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Qua đó từng bước củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai toàn diện, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: Phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc… được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát triển phong phú, đa dạng, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. “Bí quyết” nào tạo nên thành công của phong trào, thưa đồng chí?
- Năm 2017, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hệ thống dân vận thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân Thủ đô Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, 8 chương trình công tác trọng tâm, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá nhiệm kỳ 2015-2020… Ban Dân vận Thành ủy đã triển khai Kế hoạch số 18-KH/BDVTU ngày 24-12-2016 phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020; triển khai Đề án “Xây dựng mô hình dân vận khéo trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Căn cứ vào kế hoạch và hướng dẫn của Ban Dân vận Thành ủy, Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy đã chủ động tham mưu cho cấp ủy ban hành thông tri, hướng dẫn đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”. Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có 6.880 mô hình, điển hình của tập thể, cá nhân đăng ký thi đua “Dân vận khéo”. Qua tiến hành khảo sát việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” bằng phiếu hỏi tại 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gần đây cho thấy, mô hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đầu tư xây dựng phát huy hiệu quả tốt.
Với phương châm đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động công tác dân vận, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động 6 cụm thi đua khối dân vận; tích cực tham mưu cho cấp ủy tổ chức nhiều hoạt động nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Từ thực tế, mỗi địa phương, đơn vị đều có những mô hình hay, cách làm mới với phương châm: Dân vận hướng về cơ sở, trọng dân, gần dân, bám sát thực tế. Khối huyện tập trung xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới như: Đan Phượng, Phúc Thọ, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm... Khối quận tập trung các mô hình xây dựng đô thị văn minh như: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông... hay mô hình cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tại Ba Đình, Cầu Giấy. Tuy nhiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đánh giá, khen thưởng kịp thời hơn để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
- Từ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, xin đồng chí chia sẻ đôi nét về việc triển khai công tác dân vận trên địa bàn TP Hà Nội thời gian tới?
- Bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, hệ thống dân vận của TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và từng ngành, đơn vị; thực hiện tốt 5 yêu cầu đối với công tác dân vận mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.
Công tác dân vận sẽ triển khai theo hướng nắm chắc tình hình nhân dân, dự báo chính xác, tham mưu kịp thời phương án giải quyết các vụ việc bức xúc, tránh phát sinh thành “điểm nóng”. Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô…
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo hanoimoi.com.vn