UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2074/QĐ-UBND, ngày 24/7/2017 về việc quy định tiêu chí lựa chọn và trình tự đăng ký, lựa chọn, thẩm định, phê duyệt các đối tượng đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Quyếtđịnh số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó:
- Đối tượng áp dụng là các Tổ chức, cá nhân là chủ tàu cá không lắp máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 90CV đang hoạt động khai thác hải sản (sau đây gọi là chủ tàu) có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt.
- Tiêu chí lựa chọn gồm:+ Tổ chức, cá nhân phải là chủ tàu cá không lắp máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 90CV;
+ Chủ tàu phải có khả năng tài chính, là phần vốn tự có của chủ tàu phục vụ đóng mới tàu cá (có căn cứ để thẩm tra, xác minh), trong đó: Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản bao gồm cả trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa và tàu khai thác hải sản bao gồm máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản, cụ thể: Trường hợp đóng tàu vỏ composite: Chủ tàu phải có vốn đối ứng ít nhất bằng 10% tổng giá trị đầu tư đóng mới; Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu phải có vốn đối ứng ít nhất bằng 30% tổng giá trị đầu tư đóng mới.
+ Chủ tàu phải có Phương án sản xuất kinh doanh, gồm các phần chính sau: Thông tin chung về tổ chức, cá nhân: Tên, giấy phép kinh doanh (chứng minh nhân dân đối với cá nhân), địa chỉ. Nội dung: Nghề đăng ký hoạt động; Vùng biển đăng ký hoạt động; Mẫu tàu lựa chọn (vỏ composite, vỏ gỗ); Các thông số kỹ thuật cơ bản của tàu (tổng công suất, kích thước cơ bản, nghề hoạt động, vùng biển hoạt động...); Tổ chức sản xuất: Lao động; công nghệ khai thác; bảo quản sản phẩm; tiêu thụ sản sản phẩm...; Dự kiến kinh phí đầu tư: Chi tiết các hạng mục đầu tư (vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ...); Hiệu quả: Đảm bảo có hiệu quả kinh tế, xã hội; bảo vệ chủ quyền an ninh; cam kết thường xuyên hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ và chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật.
- Về trình tự thực hiện:1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đóng mới tàu theo Quyết định 12 làm đơn đăng ký đóng mới tàu cá (theo Phụ lục 01 kèm theo), lập phương án sản xuất kinh doanh và chứng minh khả năng tài chính (bằng văn bản) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn, xác nhận đối tượng đăng ký đóng mới, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể theo quy định, lập danh sách (theo Phụ lục 02) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện bao gồm: Đơn đăng ký đóng mới tàu cá; Phương án sản xuất kinh doanh; văn bản chứng minh khả năng tài chính của từng tổ chức, cá nhân; danh sách các chủ tàu được lựa chọn.
3. Căn cứ vào hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành thẩm định từng trường hợp cụ thể, lập danh sách (theo Phụ lục 02) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
Khi tiến hành thẩm định, UBND huyện có thể mời các Ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối tham gia tiếp cận, nắm thông tin phục vụ việc xem xét, thẩm định cho vay theo quy định.
Hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm: Đơn đăng ký đóng mới tàu cá; phương án sản xuất kinh doanh; văn bản chứng minh khả năng tài chính; danh sách các tổ chức, cá nhân theo mẫu; văn bản thẩm định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổng hợp, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ngân hàng Nhà nước tỉnh kiểm tra, rà soát, thống nhất danh sách đối tượng thuộc diện được vay vốn đóng mới tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản theo Quyết định 12, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
5. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối căn cứ danh sách đối tượng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nêu trên để xem xét, cam kết nguyên tắc với chủ tàu về khả năng đầu tư tín dụng; hướng dẫn chủ tàu thực hiện các trình tự, thủ tục cho vay để lập phương án vay vốn theo quy định.
6. Sau khi chủ tàu lựa chọn cở sở đóng tàu, trên cơ sở cam kết cho vay của Ngân hàng, chủ tàu ký hợp đồng đóng tàu với cơ sở đóng tàu để thực hiện đóng tàu và xây dựng phương án vay vốn gửi các Ngân hàng thẩm định, quyết định việc cho vay theo quy định.
Các trường hợp nằm trong danh sách đối tượng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhưng các ngân hàng không cho vay thì các ngân hàng phải báo cáo lý do từng trường cụ thể cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện của các địa phương, đơn vị; định kỳ hằng tháng (ngày 25), tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ngân hàng Nhà nước tỉnh thẩm tra, giám sát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung hoặc đưa khỏi danh sách những tổ chức, cá nhân chậm triển khai thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh, yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Theo Quốc Quân/sonongnghiephatinh.gov.vn