Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những nhen nhóm ban đầu
Có thể khẳng định, khoa học đã giúp thay đổi một số ngành nông nghiệp ở nước ta khá rõ nét. Ngành nuôi tôm là một ví dụ khi nhờ khoa học ứng dụng, biến những vùng nuôi nhử (nhử tôm tự nhiên, không thả tôm giống) thành vùng nuôi công nghiệp, mật độ cao cho sản lượng lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, khoa học công nghệ trong nuôi tôm biển chưa theo kịp thực tiễn. Khi mô hình tôm công nghiệp mật độ cao lần lượt bộc lộ nhược điểm gây tổn hại môi trường.
Thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm khiến không ít tỷ phú nuôi tôm rơi vào cảnh trắng tay. Trong khi đó, khoa học dù đã phát hiện dịch bệnh trên tôm cách nay ba năm nhưng tới giờ phút này vẫn chưa có một nghiên cứu nào xác định được nguyên nhân để đưa ra giải pháp chữa bệnh cho tôm. Vậy là những người nuôi tôm đành vừa làm vừa mò mẫm thông tin trên mạng, trên truyền hình...
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, hạn chế lớn nhất ở nước ta hiện nay là mối quan hệ giữa khoa học và thực tiễn, giữa nghiên cứu và sản xuất chưa thực sự gắn kết. Nhiều nghiên cứu không bám sát yêu cầu của thực tiễn, một số nghiên cứu khác mặc dù có giá trị nhất định cũng không đưa được vào sản xuất hoặc nửa chừng mà chưa theo sát diễn biến của cả quá trình triển khai ứng dụng. Do đó khoa học công nghệ chưa thật sự trở thành nguồn lực chủ yếu và động lực cơ bản phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ nên công bố và triển khai rộng rãi khi nó được thực nghiệm tại thực địa sản xuất đại trà, chứ không nên công bố những kết quả nghiên cứu trong điều kiện lý tưởng của phòng thí nghiệm. Bởi các kết quả này khi ứng dụng sẽ rất khó để nông dân thành công ở môi trường tự nhiên.
Mới đây, đại diện Bộ NN và PTNT cũng nhận định, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhìn chung việc áp dụng khoa học công nghệ vẫn ở mức thấp. Những kết quả nghiên cứu, chọn tạo được chưa nhiều, chưa thể hiện được tính vượt trội và vẫn chưa hình thành được ngành công nghệ sinh học, mới chỉ là những nhen nhóm ban đầu.
Cần cầm tay chỉ việc cho nông dân
Để tăng tính cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đại diện Bộ NN và PTNT cho rằng, ngành nông nghiệp phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cụ thể, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá trong tái cơ cấu: ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến.
Đặc biệt, vấn đề bảo quản sau thu hoạch rất cần có những nghiên cứu khoa học để gỡ khó cho nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, thất thoát sau thu hoạch với lúa từ 11 - 13%, ngô 13 - 15% chưa kể sự suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản cũng làm giảm giá thương phẩm 20 - 25%. Ngành thủy sản và rau quả tổn thất 20 - 25% về sản phẩm và chất lượng.
Ông Lưu Bích Hồ cũng có chung quan điểm này. Theo ông, vấn đề hàng đầu là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ; đặc biệt là gắn kết nông dân với cơ quan nghiên cứu khoa học.
Từ góc độ thực tiễn, nhiều ý kiến đề xuất, để khoa học đồng hành với nông nghiệp thì ngoài việc đưa ra những ứng dụng mới thì việc chuyển giao công nghệ cũng cần cụ thể theo hướng cầm tay chỉ việc. Tỉnh An Giang thành công trong sản xuất lúa nhờ chương trình cùng nông dân ra đồng, qua đó cán bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng ăn, cùng làm với nông dân.
Khoa học không chỉ đồng hành với nông dân ở vấn đề giống, công nghệ… mà còn cần những nghiên cứu chuyên sâu về thị trường cho từng loại nông sản để san sẻ gánh nặng đầu ra. Thực tế trên thị trường hiện có quá nhiều những nhà thương mại trung gian yếu năng lực tài chính, không đủ chữ tín… khiến không ít khi nông dân bị lật lọng, bỏ rơi. Khi sản phẩm làm ra không bán được, không hiệu quả, thì các ứng dụng khoa học chất chứa trong sản phẩm đó cũng không đem lại lợi ích gì cho nông dân.
Theo daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn