Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Ra vườn chôm chôm của ông Nam, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN rất bất ngờ bởi khu đất này rất rộng lớn. Nơi đây, ông Nam đào nhiều ao, tạo bờ mô cao theo hàng bài bản rồi trồng 3 loại cây ăn trái đặc sản gồm: chôm chôm Thái, chôm chôm Java, chôm chôm nhãn. Ba giống chôm chôm này, ông Nam cũng chia ra thành 3 khu vực trồng khác nhau nhằm vào việc dễ chăm sóc, dễ phân phân loại và quản lý.
Vườn chôm chôm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm của gia đình ông Nam.
“Hiện chôm chôm Java đang cho trái rất sai, do mới ra trái nên còn màu xanh, nếu chính thì nhìn vô cùng đẹp. Còn chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái vẫn đang được ủ gốc, xiết nước (cách ông Nam kích thích cho cây ra trái nghịch vụ)”, ông Nam vừa chỉ tay về vườn chôm chôm Java đang cho trái vừa nói.
Theo ông Trần Thành Nam, trước đây, ông trồng dừa và các loại cây tạp khác không mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khi còn bị thua lỗ công chăm sóc và phân bón. Vì vậy, từ năm 2006, ông quyết định, đốn hạ hết số cây trên và bắt đầu vào việc trồng 2ha chôm chôm với các giống đặc sản.
Không phụ lòng ông Nam, vườn chôm chôm phát triển tươi tốt và cho năng suất cao, bình quân 2 tấn/ha. “Cây chôm chôm thích hợp với vùng đất nước ngọt quanh năm. Tuy nhiên, loại cây này cũng rất khó tính nếu không được chăm sóc tỉ mỉ thì sẽ dễ bị thất mùa” – ông Nam cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết.
Ông Trần Thành Nam chia sẻ về cách làm giàu từ việc trồng cây ăn trái
Ông Nam nói thêm: “Vườn chôm chôm của tôi làm rất nhiều ao thoát nước mưa cũng như có bờ bao ngăn nước sông chảy vào. Tôi còn làm mô cao quanh gốc cây, khoảng cách giữa các cây là 4m. Trong quá trình sản xuất, tôi luôn bón phân đủ lượng, đủ chất và bón phân dơi ủ cho cây”.
Lão nông quê Bến Tre phân tích, chôm chôm Thái, Java có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, Châu Âu, còn chôm chôm nhãn có thể tiêu thụ tốt thị trường trong nước. Vì vậy, ông Nam chọn trồng 3 giống chôm chôm khác nhau nhằm tránh tình trạng phụ thuộc duy nhất vào một thương lái hay 1 thị trường tiêu thụ nhất định. Hơn nữa, 3 giống chôm chôm này đều có những ưu điểm riêng, cụ thể chôm chôm Java cho năng suất cao, chôm chôm nhãn bán với giá cao gấp 3 lần chôm chôm Java, chôm chôm Thái cho năng suất thấp nhưng giá cao hơn cả Java.
Lợi nhuận gấp đôi
Cũng trong năm 2006, ngoài 2ha trồng chôm chôm, ông Nam còn dành khoảng 1ha trồng bưởi da xanh (khoảng 300 cây). Trong diện tích trồng bưởi này, ông Nam còn mạnh dạn trồng xen canh với cây sầu riêng. Hiện 2 loại cây đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao này cũng đang phát triển rất tốt.
Về lí do tại sao trồng sầu riêng xen vườn bưởi, ông Nam giải thích: “Cây sầu riêng tôi trồng ít với khoảng 100 cây, ngoài lấy trái bán, cây này còn có nhiệm vụ là che bóng mát cho cây bưởi phát triển. Nhiều hộ dân khác trồng dừa để tạo bóng mát cho cây bưởi nhưng tôi quyết định trồng sầu riêng vì nó mạng lại lợi nhuận cao hơn, ổn định hơn”.
Ông Nam bên vườn bưởi da xanh đang cho trái
Khác với nhiều hộ dân khác ở miền Tây, ông Nam có “bí quyết” để bán nông sản ra thị trường với giá cao gấp đôi. “Bí quyết của tôi đó là cho trái ra mùa nghịch khi mà nguồn trái cây ở miền ngoài không còn (do điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật không cho phép). Khi đó, chắc chắc nguồn cung ít thì giá sẽ lên cao” – ông Nam phân tích.
Theo phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tìm hiểu, đối với chôm chôm Java, để cho trái ra mùa nghịch, giữa tháng 4 dương lịch, ông Nam bắt đầu ủ gốc, xiết nước. Còn 2 loại chôm chôm còn lại ông tiến hành ủ gốc, xiết nước vào tháng 7. Sau đó, cây sẽ bắt đầu ra trái vào tháng 9 và sẽ thu hoạch sau đó khoảng 1 tháng.
Theo ông Nam, kiến thức mà ông áp dụng được học được từ nhiều người dân ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) và ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mỗi khi đến lúc thu hoạch thì các thương lái (địa phương chưa có doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu) đến tận vườn để mua, ông không cần phải chở đi. Do trái đẹp, số lượng nhiều nên có bao nhiêu, các thương lái đều lấy hết, không phải lo khâu thị trường biến động hay dội chợ.
Ông Nam trồng xen cây sầu riêng trong vườn bưởi da xanh.
Để mở rộng quy mô sản xuất, ông Nam thuê thêm 3ha đất vườn, nâng tổng diện tích trồng cây ăn trái lên khoảng 6ha. Ngoài ra, ông còn thuê khoảng 10 lao động tại địa phương phụ giúp hằng ngày và trên 20 người làm lúc thu hoạch trái. Theo ông tính toán, mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 10 tấn chôm chôm Thái, 10 tấn chôm chôm nhãn, 80 tấn chôm chôm Java với doanh thu khoảng 2,3 tỷ đồng. Sau trừ tất cả chi phí, ông thu lời khoảng 1,1 tỷ đồng.
Riêng về bưởi da xanh và sầu riêng đạt lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng (do phải trả tiền thuê đất nhiều nên lợi nhuận không nhiều bằng chôm chôm trồng trên đất nhà).
Từ việc làm vườn có lãi, ông Nam đã quyết định trích khoảng 40 triệu đồng/năm để hỗ trợ người dân địa phương bằng các công việc cụ thể như làm đường, xây cầu giao thông nông thôn, cho tập vở học sinh vào đầu năm học…
Với những thành tích trong lao động sản xuất, trong sáng tạo, từ năm 2009 đến nay, ông Trần Thành Nam nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen ở cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương về “thành tích cao trong lao động sản xuất” và về “đóng góp vì sự nghiệp giáo dục”. Ông Trần Thành Nam cũng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10.2019. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn