Trao đổi với PV, đồng sáng lập startup Biophap, chị Huỳnh Đinh Hà Giang (Tyna Giang) tiết lộ rằng Biophap đang gọi vốn khoảng 2 triệu USD cho 20% cổ phần dù công ty chưa có sản phẩm số lượng lớn bán ra thị trường.
Một vài quỹ đầu tư ở Pháp, Singapore và cả Việt Nam đã được liên hệ để giới thiệu về cơ hội đầu tư này.
Biophap được thành lập năm 2015 bởi Tyna Giang và bộ đôi kỹ sư Marc Binet – Alexis Tavernier. Bộ đôi này phụ trách phần kỹ thuật hữu cơ, còn tất cả những phần việc còn lại là của Tyna Giang, người học ngành Quản lý khách sạn và du lịch.
Trong 3 năm, các nhà sáng lập của Biophap đã tuyển được 40 nhân sự địa phương và quốc tế có chuyên môn hữu cơ, thay đổi được tư duy canh tác lạc hậu đốt rừng làm nương rẫy của người dân tộc Bahnar, phát triển vùng trồng lên 50ha.
Trong tất cả công việc, đào tạo là công việc khó khăn và khổ sở nhất. Tyna Giang kể rằng tất cả các kỹ sư nông nghiệp trẻ bước vào Biophap làm việc, trong 6 tháng đầu tiên, công việc chính của họ là học làm một người nông dân thực thụ: trồng cây, đào đất, bắt sâu, ngắm lá .. Đây là những công việc mà nhiều người có học thức không muốn làm; dù thế, Biophap cũng đã phát triểnđược vài chục nhân sự.
Những bạn trẻ vẫn còn trụ lại được Biophap cho tới thời điểm này hầu hết là những người có tình yêu thật sự với cây cỏ và được truyền cảm hứng tạo ra một nền nông nghiệp sạch cho Việt Nam của Tyna Giang và cộng sự.
Để thuyết phục người nông dân tin vào kỹ thuật trồng organic cũng như mô hình kinh doanh xây dựng chuỗi giá trị từ trồng trọt, chế biến đến kết nối người tiêu dùng trong 3 năm Biophap trồng tiêu xen canh với trái cây hay các loại cây gia vị để làm hình mẫu.
“Nếu mình không làm trước rồi cho họ thấy kết quả, người nông dân sẽ không tin”, chị Tyna Giang chia sẻ kinh nghiệm.
Về vùng nguyên liệu, cách khởi nghiệp của Biophap do cô gái 10 năm lăn lộn trong môi trường học tập và làm việc ở Pháp hoàn toàn mang phong cách châu Âu.
Trong 3 năm đầu tiên, mục tiêu tối thượng của Tyna Giang vẫn là xây dựng và mở rộng vùng trồng trọt cây lâu năm thay vì nhanh chóng có sản phẩm để bán ra thị trường nhằm quay vòng vốn.
Cô gái sinh năm 1982 này biết, muốn bán được hàng giá tốt, doanh nghiệp phải có vùng trồng chất lượng và diện tích lớn. Bán hàng hữu cơ không khó, có và quản lý được vùng trồng tốt mới khó.
Hiện tại, Biophap đã xây dựng được 5 trang trại mô hình tại 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai với diện tích khoảng 50ha. Hết năm nay, Biophap sẽ mở rộng thêm 50ha tiêu nữa ở Chư Sê – Gia Lai. Trong 5 năm tới, vùng nguyên liệu có thể tăng lên 1.000 ha.
“Diện tích 50ha mà Biophap đang có vượt quá kế hoạch 3 năm của Biophap. Lúc đầu, chúng tôi chỉ tính thử nghiệm 1 trang trại – 1 vùng khí hậu, nhưng giờ đã làm tới 5 trang trại và 3 vùng khí hậu khác nhau”, chị Tyna Giang giải thích.
Tuy nhiên,chị Tyna Giang nói mình không hối hận vì đã đầu tư nhiều hơn dự kiến, do các cây dược liệu và quả mọng (mâm xôi, việt quất .. ) phát triển tốt, thành phẩm được thị trường đón nhận nhiệt tình.
Về công nghệ, hiện nay Biophap đang hợp tác với Infinity Blockchain Lab dùng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết hợp với Orchestra Network cho việc quản lý dữ liệu.
Trên tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng trồng của Biophap sẽ có một mã QR code, chỉ cần khách hàng quét mã code vào smartphone sẽ hiện ra tất cả thông tin về nguồn gốc – quá trình canh tác – chế biến của sản phẩmvới các dữ liệu đầu vào hằng ngày do người nông dân nhập và các máy đo.
Việc này đòi hỏi đạo đức và sự thay đổi thói quen của người nông dân trong việc ghi chép thông tin minh bạch hằng ngày, nên Biophap phải cùng thực hành và kiểm soát nghiêm ngặt.
Hoạt động sale – makerting cũng được Biophap thực hiện bài bản, từ giới thiệu sản phẩm trên website đến tham gia các hoạt động cộng đồng để nâng cao giá trị thương hiệu Biophap.
Doanh nghiệp này cũng đang hướng đến việc chia sẻ hoạt động sản xuất, thay vì phải tự mình xây dựng nhà máy. Trong tương lai, công ty thông qua chương trình quản lý bằng công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp địa phương sản xuất sản phẩm.
“Nếu đi một vòng, bạn sẽ thấy thương hiệu của tôi vừa sáng tạo, vừa tôn trọng tự nhiên nhưng vẫn năng động phù hợp với người tiêu dùng hiện”, Tyna Giang tự hào giới thiệu bên lề sự kiện Diễn đàn Xúc tiến Thương mại & Hợp tác Đầu tư phát triển Ngành thực phẩm 2018.
Biophap giúp nông dân phát triển lối sống bền vững trên đất của họ, đầu tư về kỹ thuật hữu cơ quốc tế hướng đến chi phí đầu vào thấp, mua với giá thành cao hơn giá thị trường với cam kết theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong chuỗi giá trị mà Biophap xây dựng có cam kết dựng lại làng hữu cơ cho người dân bằng số tiền thu được từ sản phẩm bán ra dưới thương hiệu Biophap. Ví dụ, năm nay Biophap cam kết đưa lại cho người dân 10% lợi nhuận.
Công ty xác định rằng xây dựng chuỗi giá trị cần một tầm nhìn rộng, khi làm ra sản phẩm, phải đặt mình vào vai trò của nhiều người: người nông dân muốn gì, người tiêu dùng muốn gìvà làm sao kết nối họ lại để cùng phát triển cho mẹ trái đất tốt đẹp hơn.
Nhà sáng lập Tyna Giang luôn mong muốn đưa Tây Nguyên trở thành “thung lũng hữu cơ”. Theo chị, mục tiêu này cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nông dân, các bạn trẻ và những công ty như Biophap.
“Hiện tại, tôi nghe nhiều bạn trẻ có mong muốn về Tây Nguyên làm organic nhưng chưa thấy ai về chọn sáng tạo để thay đổi cách làm cũ trên những cây bản địa”, chị Tyna Giang nhận định.
Cuối cùng, mục đích gọi vốn của Biophap hết sức rõ ràng: đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), vì cây tiêu là một cây rất nhiều bệnh, cây việt quất là 1 cây mới, cần thêm 3 năm đầu tư về R&D; đầu tư công nghệ big data, AI, blockchain – đây là hạng mục đầu tư tốn rất nhiều tiền, khoảng 1 triệu USD; mở rộng vùng nguyên liệu, đào tạo đội ngũ.
Theo Thuonggiathitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn