Theo số liệu thống kê năm 2018, diện tích sản xuất lạc của toàn tỉnh Bình Định đạt trên 9.850 ha, năng suất lạc bình quân 34,7 tạ/ha, sản lượng đạt trên 34.200 tấn. Năng suất và sản lượng lạc các năm sau nhìn chung đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của các hộ dân còn hạn chế; người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thiếu hợp lý, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường; các giống lạc đang được trồng chủ yếu là giống cũ, thoái hóa; kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho lạc chưa đảm bảo, phần lớn còn làm theo kinh nghiệm, ít chú trọng đến việc phòng bệnh.
Xuất phát từ thực tế đó, Sở Nông Nghiệp và PTNT Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát tổ chức thực hiện mô hình "Liên kết sản xuất lạc theo chuỗi gắn với bao tiêu và chế biến dầu lạc" tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân theo hướng liên kết chuỗi “từ sản xuất đến tiêu thụ”. Mô hình được triển khai với sự tham gia của các cơ sở bao tiêu sản phẩm; hợp tác xã nông nghiệp cung ứng vật tư kỹ thuật, làm cầu nối trung gian giữa nông dân với cơ sở thu mua, chế biến nông sản; cán bộ khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến đến bà con nông dân.
Mô hình được thực hiện với quy mô 5 ha, có 33 hộ tham gia sản xuất giống lạc L14. Bà con nông dân tham gia mô hình sử dụng phân bón hợp lý, chú trọng bón phân hữu cơ, có sử dụng vôi hạt để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lạc sinh trưởng phát triển, nhất là bón vôi giai đoạn ra hoa đâm tia.
Do điều kiện thời tiết vụ hè nắng nóng nên tỷ lệ cây mọc không cao, số cây/m2đạt trung bình 33 cây, số quả chắc/cây đạt trung bình 13 quả. Năng suất lý thuyết đạt trên 49 tạ/ha và dự kiến năng suất thực thu ước đạt khoảng 39,9 tạ/ha. Nhờ sử dụng phân bón và chăm sóc hợp lý nên năng suất lạc ở ruộng mô hình cao hơn lạc trồng trên cùng chân đất, thời vụ khoảng 3 tạ/ha. Như vậy với năng suất lạc ước đạt 39,9 tạ/ha, giá lạc hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg thì các hộ tham gia mô hình có thu nhập là 79.800.000 đồng/ha, lợi nhuận đạt được 35.550.000 đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 460.000 đồng/ha.
Từ kết quả trên, các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, khả năng nhân rộng mô hình tại xã Cát Tài là rất khả thi. Mô hình đã giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, và nhờ áp dụng liên kết chuỗi gắn với bao tiêu nên bà con an tâm sản xuất hơn.
Minh Tiến - Trung tâm Khuyến nông Bình Định
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn