Mới đây, Bộ NN-PTNT có Công văn số 1318/BNN-TY gửi các Bộ Tài chính, Công thương, Công an, Giao thông vận tải; Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lâm Đồng về việc hỗ trợ, tạo điều kiện sản xuất tằm tơ.
Theo Bộ NN-PTNT, cơ cấu giống tằm có hai loại chính: Giống lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao và giống đa hệ kén vàng cho chất lượng tơ thấp hơn, chủ yếu phát triển ở các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động được giống tằm đa hệ kén vàng.
Tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu nuôi giống tằm lưỡng hệ kén trắng, nhưng trong nước chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu giống; còn khoảng 90% nhập khẩu từ Trung Quốc (trong đó, tỉnh Quảng Tây có giống tằm lưỡng hệ năng suất cao, rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam) qua hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Trong những năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nghề tằm tơ đã có những bước phát triển tốt. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng sản phẩm dâu tằm tơ, chiếm 80% cả nước với trên 8.500 ha dâu hiện nay đã vào chính vụ và khoảng 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó có gần 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 xảy ra, người nuôi tằm không thể nhập giống tằm lưỡng hệ kén trắng phục vụ cho sản xuất, nên gặp nhiều khó khăn và bị thiệt hại lớn về kinh tế trong đầu tư cho trồng dâu.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp nguồn giống tằm, Bộ NN-PTNT đề nghị các Bộ, ngành, Thường trực Ban Chỉ đạo 398 quốc gia, UBND các tỉnh xem xét tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập giống tằm để phục vụ kịp thời phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
MAI CHIẾN/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn