Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Giáo sư Simon Cutting và đại diện Tập đoàn PAN
Đi cùng ông Simon Cutting có ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần The Pan Group (PAN). Buổi làm việc tập trung vào định hướng sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong cán cân sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam, thịt lợn chiếm xấp xỉ 3,7 – 4 triệu tấn, thịt gà khoảng 1 triệu tấn, thịt bò 300.000 tấn và 1 triệu tấn sữa, trứng gia cầm đạt 12 - 13 tỷ quả trứng mỗi năm. Tổng sản lượng thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân, tuy nhiên ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp phải vấn đề mất cân đối giữa các nhóm thịt. Thịt lợn chiếm khoảng 70% tỷ lệ thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam, đây là sự mất cân đối lớn nhất. Trong bối cảnh lợn ở Việt Nam chủ yếu được chăn nuôi ở các hộ nhỏ lẻ, chiếm 50%, với quy mô là 2,4 triệu hộ, do đó, việc quản trị các nhóm bệnh nói chung, đặc biệt là bệnh DTLCP là vấn đề rất lớn đối với Việt Nam. Thế giới đã có vắc xin cho các loại bệnh khác và Việt Nam cũng sản xuất được cơ bản vắc xin, nhưng vắc xin cho bệnh DTLCP – hiện đang tác động lớn đến ngành chăn nuôi Việt Nam – vẫn chưa được giải quyết.
Tháng 8/2018 sau khi dịch xảy ra tại Trung Quốc, Việt Nam đã ngay lập tức triển khai các biện pháp phòng bệnh từ xa. Tuy nhiên, do đường biên giới dài 1.600 km, giao thương hàng ngày lớn, 1/2/2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã chính thức vào Việt Nam. Số lượng lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy tại Việt Nam hiện đã chiếm khoảng gần 10% tổng đàn. Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch khác nhau, với các nhóm giải pháp đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Song song với biện pháp an toàn tổng thế, Bộ NN&PTNT đã chú ý đến giải pháp hướng đi nghiên cứu vắc xin. Hiện có hai trung tâm lớn nghiên cứu vắc xin này, bước đầu đã có kết quả tích cực. Hiện tại một số chế phẩm sinh học được nghiên cứu SX và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN), trong xử lý môi trường chăn nuôi mang lại hiệu quả tích cực và Bộ đã có hướng sử dụng các chế phẩm này như giải pháp hỗ trợ trong biện pháp an toàn sinh học tổng thể. Bộ NN&PTNT xác định con đường tiến tới việc thương mại vắc xin ra thị trường còn kéo dài và khó khăn.
Ông Simon Cutting cho biết, thực tế là ở châu Âu cũng phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh trong chăn nuôi, kể cả bệnh DTLCP. Trong tương lai, chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh khác nữa. Hiện tại, Việt Nam nên đưa ra một chiến lược cụ thể để có thể sản xuất được vắc xin và ngành nông nghiệp không phụ thuộc vào việc mua vắc xin từ thế giới. Thời gian để nghiên cứu và phát triển vắc xin có thể thương mại hóa, kể cả vắc xin cho người hay động vật, kéo dài khoảng 5 năm. Với kinh nghiệm 25 năm ở Việt Nam và hợp tác làm việc với Tập đoàn PAN, ông tin tưởng với lịch sử lâu dài trong việc sản xuất vắc xin, sở hữu cơ sở nghiên cứu chất lượng, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và phát triển vắc xin độc lập.
Giáo sư Simon đề xuất thành lập nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học, các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, sử dụng bào tử mà tập đoàn PAN đã sản xuất được cũng như các chất phụ trợ, kết hợp thực hiện nghiên cứu và hy vọng có thể đưa ra thử nghiệm trong vòng 1 năm. Ý tưởng nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam sẽ tạo ra các vắc xin nền để có thể phát triển các loại vắc xin khác không chỉ với bệnh DTLCP, không phụ thuộc vào thế giới. Với tỷ lệ thành công thông thường là 70%, việc nghiên cứu thành công vắc xin bệnh DTLCP có thể phát triển các loại vắc xin khác như bệnh đốm trắng ở tôm,…
7 năm là quãng thời gian CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group) chính thức chuyển sang mảng nông nghiệp và thực phẩm. PAN sở hữu hệ thống công ty con, công ty liên kết, trải dài các lĩnh vực trong nông nghiệp từ sản xuất, chế biến (Vinaseed, Aquatex Bentre, Sao Ta) đến thực phẩm (Bibica, Lafooco).
NLA (Mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn