Cụ thể, 131 điều kiện trong số 172 ĐKKD về thú y, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, sản phẩm biến đổi gen hiện đang quy định tại 4 Nghị định (Nghị định 35/2016/NĐ-CP; Nghị định 66/2016/NĐ-CP; Nghị định số 39/2017/NĐ-CP;
Nghị định 69/2010/NĐ-CP), sẽ được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp mà Bộ đang xây dựng và thực hiện lấy ý kiến rộng rãi.
Cùng với đó, nhiều ĐKKD đã được cắt giảm tại Luật Thủy sản. Bộ sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019); tại dự án Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và các Nghị định hướng dẫn thi hành 2 Luật này.
Tham gia góp ý kiến tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của Bộ NN&PTNT đã tích cực trong việc cắt giảm những ĐKKD bất hợp lý, tháo gỡ rào cản cho DN.
Tuy nhiên, ông Tường cho rằng, cũng cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm cụ thể, rõ ràng để DN dễ dàng tuân thủ và phục vụ cho việc chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Khi đó các DN sẽ có trách nhiệm hơn với chất lượng sản phẩm của mình. Cơ quan quản lý cũng sẽ được giảm tải những công việc hành chính, giấy tờ, tập trung nhân lực, vật lực thực hiện những việc thực chất hơn”, ông Tường nói.
Ông Trần Văn Thiên, Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho rằng: “Trên thực tế các ĐKKD trong các nghị định không phải là vấn đề lớn, nhưng chính các ‘giấy phép con’ quy định trong các thông tư hướng dẫn mới đang trói chân các DN”.
Vì vậy, ông Thiên kiến nghị, Bộ NN&PTNT cũng cần rà soát các văn bản dưới luật, đồng thời tham khảo cách làm của các bộ, ngành liên quan để tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ những quy định mang tính “tự trói mình”, lại gây khó khăn, bức xúc cho DN.
Ông Lê Hồng Nhu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội giống cây trồng thì cho rằng trong tổng số 131 ĐKKD dự kiến cắt giảm, sửa đổi trong dự thảo Nghị định, nhiều nội dung mới chỉ là lược bỏ các từ ngữ chung chung như: “theo pháp luật”, “hợp lý”, “có điều kiện rõ ràng”… hay đưa ra những dẫn chiếu không cụ thể đến nhưng văn bản luật khác… chứ chưa phải là cắt giảm ĐKKD cụ thể.
Cũng theo ông Nhu, dự thảo Luật Trồng trọt yêu cầu tất cả các giống cây trồng đều phải được công bố thì mới được đưa vào sản xuất. "Theo tôi hiện có đến hàng vạn loại giống trên thực tế, vậy ai sẽ công bố cho nông dân để họ đưa vào sản xuất? Tôi cho rằng quy định này không hợp lý, không khả thi", ông nói.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội thuốc bảo vệ thực vật, vẫn còn nhiều ĐKKD bất hợp lý mà dự thảo Nghị định sửa đổi chưa để cập đến.
Cụ thể, trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, có quy định nhà xưởng phải được bố trí trong khu công ngiệp. “Vậy rất nhiều nhà máy đã được cấp phép xây dựng, tiêu tốn đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ giờ phải di dời vào khu công nghiệp liệu có khả thi không? Có cần thiết không hay sẽ gây những ‘nguy hiểm’ cho sự sống còn của các DN?”.
Hay khi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ông Sơn cho rằng yêu cầu chủ DN phải là người có bằng cấp về bảo vệ thực vật là không cần thiết mà chỉ cần người bán hàng trực tiếp có trình độ là được. “Nếu còn giữ những quy định đó thì là không thực tế và DN còn phải khổ sở rất nhiều”, ông Sơn khẳng định.
Chia sẻ ý kiến từ một người trẻ, tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc công ty TNHH Sói Biển Trung Thực-chuỗi của hàng thực phẩm sạch cho biết, trong vòng 20 ngày qua, công ty của anh đã phải tiếp đến 7 đoàn thanh kiểm tra, dù đã thành lập thêm một bộ phận tiếp đón nhưng nhiều khi cán bộ thanh tra lại yêu cầu đích thân giám đốc phải có mặt trong các buổi làm việc.
“Chưa nói đến chi phí tiền lương 20 triệu đồng/tháng phát sinh cho bộ phận này, nhiều đoàn thanh tra đi xe còi hú, thái độ khó chịu làm ảnh hưởng rất nhiều đến khách hàng và hoạt động của DN chúng tôi”, ông Trình nói.
Ông Trình nêu ra một nghịch lý: "Trên đường phố nhan nhản những chiếc xe gắn máy chở những con lợn được mổ phanh từ lò mổ rồi bày bán ở các vỉa hè, chợ cóc, mà không ai đến kiểm tra, kiểm nghiệm, trong khi những DN như chúng tôi, làm ăn không thể đàng hoàng hơn lại gặp muôn vàn khó khăn để tồn tại”.
“Tôi có thể cung cấp thông tin chi tiết về danh sách các đoàn thanh tra, kiểm tra đến theo từng ngày, từng giờ, không đưa gì sai hay thêm thắt để thấy nỗi khổ của DN”, ông Trình nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn