Chuyện nhập khẩu bò Úc về bán ngay hoặc vỗ béo rồi bán bò sống cho các lò mổ để kiếm lời đã thành quá khứ. Các doanh nghiệp (DN) còn tham gia lĩnh vực này đã phải chuyển đổi hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.
Việt Nam bắt đầu nhập khẩu bò Úc về vỗ béo từ năm 2012 với sản lượng chỉ 3.000 con và bùng nổ sản lượng vào năm 2015 với 320.000 con bò được nhập khẩu. Ảnh minh hoạ
Bán bò sống là thua
Đầu tiên phải kể đến dự án nuôi 236.000 con bò với tổng vốn đầu tư lên đến 6.300 tỉ đồng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố giữa năm 2014, bò thịt chủ yếu nhập khẩu từ Úc để vỗ béo. Năm 2016, HAGL báo cáo đã bán 122.740 con bò thịt mang lại doanh thu 3.465 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2018, HAGL chỉ duy trì đàn bò thịt ở mức 13.000 con để "hỗ trợ nguồn phân bón cho trồng trọt".
HAGL giải thích lý do thu hẹp mảng này là do thiếu vốn lưu động và biên độ lợi nhuận trong giai đoạn này không cao.
Mới đây, dự án nuôi bò thịt có tổng vốn 4.500 tỉ đồng, quy mô 254.200 con/năm của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (tỉnh Hà Tĩnh) triển khai vào năm 2015 cũng phải xin trả lại đất, thu hẹp quy mô. Qua 3 năm triển khai, bình quân quy mô nuôi của công ty chỉ đạt 15.000 con bò/năm và đến tháng 7-2018, đàn bò tại trang trại giảm còn 1.140 con.
Tại TP HCM, nơi nuôi bò Úc vỗ béo lớn nhất là trang trại Delta (huyện Hóc Môn) quy mô 2.000 con, hoạt động từ cuối năm 2014 và cũng đang trong tình trạng "chuồng bỏ không".
Thông tin này được chính ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Daso, chủ quản trang trại Delta - xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động. "Giá bò Úc bán ra đang bằng hoặc thấp hơn chi phí nuôi nên tốt nhất là ngưng nuôi để tránh lỗ" - ông Hòa thẳng thắn.
Việt Nam bắt đầu nhập khẩu bò Úc về vỗ béo từ năm 2012 với sản lượng chỉ 3.000 con và bùng nổ sản lượng vào năm 2015 với 320.000 con bò được nhập khẩu. Đây là cột mốc đánh dấu thị trường vỗ béo bò Úc đi xuống. Thị trường khốc liệt đến nỗi Công ty T.Đ (DN đầu tiên đưa bò Úc về Việt Nam) đã bị cấm nhập khẩu do vi phạm các quy định về phúc lợi động vật, an toàn thực phẩm dưới sức ép của cuộc đua hạ giá.
Đàn bò Úc được nuôi vỗ béo tại Công ty TNHH MTV Huy Long An.
Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ở giai đoạn trước năm 2015, nhập bò Úc về "làm kiểu gì cũng lời" vì giá mua tại Úc rẻ (2,2-2,3 USD/kg), trong khi giá bò hơi tại Việt Nam lại cao (70.000-76.000 đồng/kg). Sau đó, giá bò nhập khẩu từ Úc đội lên 2,9-3 USD/kg, giá bò hơi trong nước tụt xuống còn 66.000 - 68.000 đồng/kg.
"Phải đến đầu năm 2018, thị trường bò nói chung tại Việt Nam mới dễ thở khi không còn các đợt bán tháo lớn. Nuôi bò vỗ béo phải theo quy trình, đến ngày xuất chuồng thì phải bán, nếu nuôi tiếp bò sinh mỡ, không sinh lợi nhuận mà sinh lỗ. Các DN chỉ vỗ béo bò, không có lò mổ, không có thị trường tiêu thụ thịt bò bị ép ở đây. Ngay công ty tôi có chuỗi khép kín từ nhập khẩu, trang trại, lò mổ, phân phối nhưng vẫn phải thu hẹp do không hiệu quả. Trang trại sức chứa 10.000 con nhưng giờ nuôi chưa tới 3.000 con, lượng mổ từ 30 con/đêm xuống còn 7 con/đêm do cạnh tranh quá khốc liệt" - ông Khuê nói.
Cạnh tranh với thịt nhập
Theo Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA), hiện Việt Nam chỉ còn 7 DN trực tiếp tham gia nhập khẩu bò Úc với sản lượng ổn định khoảng 200.000 con/năm. Đầu năm 2017, MLA và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã ký chương trình hợp tác "Gia tăng giá trị thịt để ổn định thị trường thịt bò Úc ở Việt Nam".
Tiếp đó, phía Úc còn tài trợ khóa học ngắn hạn cho 18 học viên Việt Nam là quản lý hoặc chủ các cơ sở chế biến và giết mổ để tạo nguồn nhân lực cải tiến ngành chế biến thịt trong nước. Những học viên này được đến tham quan, học tập tại Úc và Indonesia (nước nhập khẩu bò Úc lớn nhất, Việt Nam đứng nhì) để tìm hiểu về quy trình quản lý cơ sở chế biến thực phẩm và giết mổ nhằm bảo đảm chất lượng, phúc lợi động vật...
Bò Úc giết mổ tại Việt Nam cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi thịt nhập khẩu. Ảnh: AN NA
Trao đổi với phóng viên, ông Michael Patching, Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương MLA, nhìn nhận trước đây, các DN nhập khẩu bò Úc về chỉ để vỗ béo và bán cho các lò mổ.
"Như vậy là DN phải cạnh tranh với chăn nuôi bò truyền thống. Ở Việt Nam, khi đưa bò vào lò mổ thì chỉ tính tiền theo trọng lượng thịt, không phân biệt là bò Úc hay Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Điều đó dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá nhưng cạnh tranh về giá sẽ đưa thị trường xuống đáy. Do đó, MLA đến đây để giúp các DN thay đổi tư duy chiến lược nhằm phát triển hoạt động kinh doanh theo mô hình chuỗi cung ứng. Chúng tôi hỗ trợ để giúp thịt bò Úc tại Việt Nam có thêm giá trị gia tăng, người tiêu dùng ưa chuộng hơn và không cạnh tranh với thị trường truyền thống" - đại diện MLA phân tích.
Theo ông Michael Patching, sức ép từ thịt bò nhập khẩu (bò giết mổ sẵn ở các nước - PV) là rất lớn, các nhà máy giết mổ tại Việt Nam nếu thụ động, sản xuất theo cách cũ sẽ không cạnh tranh nổi mà phải nhường thị trường cho thịt ngoại chiếm lĩnh.
Ông Nguyễn Thanh Khuê, một trong những thành viên của khóa học trên, đã quyết định thành lập nhóm "gia tăng giá trị cho thịt bò", phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao. Theo ông Khuê, phương thức kinh doanh thịt bò truyền thống của Việt Nam là đêm giết mổ, ngày hôm sau phải tiêu thụ hết, không thể để tồn kho vì thịt giảm chất lượng.
"Trong khi đó, ở các nước có công nghệ làm mát giúp thịt bò bảo quản đến 90 ngày. Chúng tôi đang triển khai giải pháp này để không phải lo cạnh tranh với "hàng chợ". Thị trường chúng tôi nhắm đến là các nhà hàng, khách sạn cao cấp, nơi đang dùng thịt bò nhập khẩu ở phân khúc chất lượng cao. Không chỉ bò Úc, khi quy trình hoàn thiện, bò nội cũng có thể áp dụng giết mổ tiên tiến để nâng chất lượng" - ông Khuê kỳ vọng.
Người tiêu dùng chưa hưởng lợi Ở các nước có ngành chăn nuôi bò thịt phát triển, thịt xuất khẩu được phân ra đến 5 cấp dựa vào tuổi, giống và giới tính nên cùng một mặt hàng, giá có thể lệch nhau đến 3 lần. Trong khi đó, thị trường Việt Nam thịt bò được "đổ đồng" giá và chủ yếu dựa vào cảm quan. Muốn khắc phục điều này, Việt Nam cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn về thịt bò để làm cơ sở đánh giá chất lượng sản phẩm. Theo các DN, thời gian qua thị trường bò thịt biến động lớn, nhiều DN đầu tư trang trại, lò mổ thua lỗ do giá bò hơi và thịt bò sỉ giảm nhưng giá thịt bò bán lẻ không giảm, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi do bị chi phối bởi trung gian. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn