Nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phàn nàn, thời gian lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu trong lô hàng nhập khẩu mất tới 4-5 ngày mới có kết quả, dẫn tới chi phí lưu công tại cảng lớn, bình quân 30 USD/container/ngày. Điều này vừa tăng chi phí sản xuất vừa ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của DN.
Bên cạnh đó, theo rà soát của Bộ KH&ĐT, sau khi Luật DN có hiệu lực từ 1/7/2015, ngành nông nghiệp vẫn còn hơn 800 điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho DN và hoạt động quản lý của ngành cũng trở nên lúng túng.
Ông Phạm Văn Hưng cho biết, trên tinh thần cắt giảm 31 khoản phí, lệ phí trong thú y, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát thêm các loại phí khác không cần thiết để giảm tối đa cho DN và người dân.
Ông Hưng nhấn mạnh: "Một số loại phí sẽ được chuyển sang cơ chế giá, còn một số vẫn phải thực hiện. Những khâu, sản phẩm nào đã có phí rồi thì sẽ bỏ bớt lệ phí và cân đối ngân sách Nhà nước để làm bù cho nhiệm vụ đó, còn DN và người dân không phải nộp để giảm bớt giá thành chăn nuôi".
Cũng theo ông Hưng, sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội xem xét vào cuối năm nay, nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm bớt các phí, lệ phí trong nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã quyết liệt trong thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà và chi phí cho người nông dân cũng như DN.
Thực tế, một số đơn vị của Bộ NN&PTNT đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Đơn cử như Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), thời gian qua đã giảm được 27 TTHC, trong đó hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu giảm từ 8 loại giấy tờ xuống còn 3 loại, thời gian làm thủ tục giảm từ 24 giờ xuống còn 4 giờ đối với đường bộ và đường hàng không. Đáng chú ý, Cục BVTV cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT bãi bỏ 7 loại lệ phí liên quan đến cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm rõ xem đã đơn giản hoá TTHC thật hay chưa, tránh tình trạng cắt giảm ở chỗ này nhưng lại thêm thủ tục mới ở chỗ khác.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng phê bình nhiều đơn vị "ôm" các dịch vụ công, không muốn xã hội hoá để thu tiền. Đồng thời vị "tư lệnh" ngành nông nghiệp cũng đặt ra yêu cầu cải cách TTHC trong nông nghiệp phải hướng đến người dân và DN.
Theo đó, các văn bản khi ban hành phải có tính thực tiễn, cao giúp cho người dân, DN hoạt động hiệu quả và đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn