Quân - dân chung sức, đồng lòng
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Nhân là đơn vị điển hình trong thực hiện phong trào thi đua "quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" của tỉnh Hà Nam. Đến nay, đơn vị đã hỗ trợ, giúp đỡ các xã, thị trấn trong huyện làm được 585.542 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng; xây mới ba nhà văn hóa xã, 73 nhà văn hóa thôn, xóm; xây mới ba trụ sở UBND xã và ba trạm y tế xã; xây mới và nâng cấp 78 phòng học THCS, 99 phòng học tiểu học và 179 phòng học mầm non. Trên công trường làm đường giao thông nông thôn của xóm Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, không khí lao động hăng say, đầy nhiệt huyết của các cán bộ chiến sĩ.
Xen giữa mầu xanh áo lính, thấp thoáng nón lá của các cô thôn nữ; sự tươi trẻ, nhiệt tình của những đoàn viên thanh niên. Sau gần một tuần tích cực, con đường thôn dài gần 3 km đã hoàn thành. Anh Nguyễn Tiến Thiệp, Trưởng xóm 9, thôn Mạc Hạ, tâm sự: "Trước đây, đường vào thôn quá nhỏ và lầy lội. Ngày nắng thì bụi, mưa thì ngập từ đầu làng đến cuối xóm. Được sự góp công, góp của của lực lượng vũ trang, đường làng được nâng cấp và mở rộng khang trang, bà con phấn khởi vô cùng.
Từ ngày con đường liên xã hoàn thành, niềm vui của bác Vũ Trọng Trang, xóm Nội, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân như được nhân lên. "Dù phải góp công, góp của cùng lực lượng dân quân vũ trang mở rộng con đường, nhưng bà con trong xã vẫn vui. Nhiều gia đình không ngần ngại chặt cây, phá tường rào để mở rộng đường. Riêng gia đình tôi, góp hàng trăm m 2 đất, dịch hàng trăm mét tường rào, dỡ một cổng và chặt cây nhãn cổ thụ. Đó là niềm vui, niềm tự hào, không hề so đo tính toán" -bác Trang tâm sự.
Những kết quả đáng trân trọng
Trên cơ sở 19 tiêu chí và 11 nội dung của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện bốn tiêu chí trong 19 tiêu chí, gồm: xây dựng đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh, mương nội đồng; phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đền ơn, đáp nghĩa; giúp đỡ các gia đình chính sách, các hộ nghèo; xây nhà cho các đối tượng chính sách, nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ... Tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tích cực tham gia dồn điền đổi thửa; phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng.
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã tổ chức phát động cán bộ, chiến sĩ lực lượng ủng hộ xây dựng quỹ xây dựng nông thôn mới, mỗi đồng chí một ngày lương cơ bản; lực lượng vũ trang các huyện, thành phố đã phát động mỗi đồng chí ủng hộ 15 đến 20 nghìn đồng, tổng số tiền quyên góp được gần 500 triệu đồng; chỉ đạo trích từ quỹ, hỗ trợ 100 triệu đồng làm 185 m đường giao thông nông thôn tại thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (đây là nơi thành lập lực lượng vũ trang tỉnh); chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, trường quân sự, Trung đoàn 151 kết hợp giữa huấn luyện lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia xây dựng nông thôn mới. Lực lượng dân quân các xã, thị trấn trong quá trình huấn luyện đã tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, cùng nhân dân vận chuyển vật liệu xây dựng và trực tiếp tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ trở thành những tấm gương sáng trong công tác dân vận. Đến nay, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã đóng góp gần 10 nghìn ngày công, tham gia xây dựng hơn 15.000 km đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu, thế trận quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng cơ sở chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn thông thoáng được nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, chặt cây, dỡ tường rào, mở rộng mặt đường, như gia đình chiến sĩ dân quân tự vệ Nguyễn Đức Toại, Ban Chỉ huy Quân sự xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục đã hiến 70 m 2 đất, chiến sĩ dân quân Tống Văn Đức, Ban Chỉ huy Quân sự xã Tràng An, huyện Bình Lục hiến 36 m 2 đất, một công trình phụ, một cổng nhà trị giá 30 triệu đồng.
Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam cho rằng: Trước hết phải bám sát và nắm vững Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương, xác định những tiêu chí, nội dung công việc phù hợp đặc điểm, nhiệm vụ và khả năng của lực lượng vũ trang để tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó, phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" là một nội dung chưa có mô hình, cách làm từ trước, vì vậy, quá trình triển khai thực hiện phong trào phải thường xuyên rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, sáng tạo trong cách làm; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu; phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm tốt để các địa phương, đơn vị học tập lẫn nhau, điều chỉnh uốn nắn kịp thời hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong nhận thức. Trong triển khai thực hiện phải đáp ứng hài hòa lợi ích của tập thể với lợi ích cá nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân.
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn