Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông xuyên qua quả đồi trồng đầy thông mát rượi, đến những khu nhà kính bao quanh triền đồi, anh Khẩn bắt đầu nhớ lại những kí ức về thời gian khó khi xưa.
Bỏ mộng gõ đầu trẻ
Vốn là người con của vùng đất Nga Sơn (Thanh Hóa), cha mẹ có truyền thống trồng lúa, làm rau. Sau những buổi học trên trường, anh Khẩn thường phụ giúp gia đình công việc đồng áng.
Sau khi học hết lớp 12, anh Khẩn muốn được học tiếp để làm thầy giáo, tuy nhiên vì điều kiện gia đình không cho phép anh đã phải gác lại ước mơ của mình. “Tôi có người anh hơn hai tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì anh tôi đã học đại học năm 2. Hoàn cảnh gia đình khó khăn mà một lúc không thể nuôi hai anh em tôi cùng học đại học. Vì vậy, tôi đành xin bố mẹ nghỉ ở nhà để làm việc, phụ bố mẹ nuôi anh học”, anh Khẩn tâm sự.
Anh Khẩn bên những luống rau thủy canh xanh mướt của mình. Ảnh: Văn Long.
Sau khi nghỉ học, anh Khẩn với bản tính xông xáo, nhiệt huyết của tuổi thanh niên đã tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội tại địa phương. Tuy nhiên, không lâu sau đó, anh đã có một quyết định, điều này đã làm thay đổi cả cuộc đời anh sau này.
Năm 1991, anh cùng một số người quen gần nhà đi vào Đà Lạt để làm lao động tại các mỏ thiếc. Anh Khẩn cho biết: “Thời đó điều kiện khó khăn, thông tin chưa được như bây giờ, tôi đi hai năm nhưng gia đình không có tin tức gì, thư không mà điện thoại cũng chả có. Vì Đà Lạt có khí hậu rất lạnh, làm thì không đủ ăn nên tôi đã quyết định nghỉ việc rồi đi làm thuê tại các vườn rau”.
Cũng từ đó mà anh đã quen được người phụ nữ gốc Đà Lạt tên Nguyễn Thị Bé rồi nên duyên vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ không có gì ngoài 3 sào đất trồng hoa làm vốn. Với ý chí, quyết tâm làm giàu, anh Khẩn và chị Bé đã có những bước đi đầu tiên trên con đường khởi nghiệp trên mảnh đất của mình.
Trồng rau ở làng hoa
Mảnh đất 3.000m2 của gia đình anh Khẩn nằm tại làng hoa Thái Phiên nổi tiếng ở Đà Lạt. Ban đầu anh chỉ trồng các loại rau củ truyền thống như rau cải bắp, cải thảo hay khoai tây. Tuy nhiên, nhận thấy có nhiều loại, rau, củ, quả lạ mắt được nhập về Đà Lạt như bí ngồi, súp lơ xanh, súp lơ tím, súp lơ mỡ khiến anh thấy rất tò mò.
Anh Khẩn thường xuyên lên vườn kiểm tra quy trình sản xuất rau dù thuê rất nhiều nhân công. Ảnh: Văn Long.
Sau đó anh đã tìm hiểu có một số công ty liên doanh về địa phương để hợp đồng với các hộ sản xuất trồng các loại rau trên. Anh đã về bàn với vợ liên kết với một công ty để sản xuất rau.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian, anh nhận thấy người nông dân vẫn bị ép bởi các công ty này. Từ đó, anh đã tìm đến những công ty cung cấp hạt giống rồi mua để về trồng thử nghiệm. Nhận thấy hiệu quả hơn nhiều nên anh đã tách ra khỏi công ty liên kết rồi ra làm ăn riêng.
Những ngày đầu khi trồng được các loại rau, quả lạ mắt kia gia đình đã rất vất vả để tiêu thụ được. Anh Khẩn đã phải tự xuống Chợ Lớn để tìm kiếm khách hàng, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu bởi thứ nông sản của anh quá lạ, ít người biết đến nên khó tiêu thụ.
Những người mới đến làm việc tại trang trại sẽ được anh Khẩn hướng dẫn nhiệt. Ảnh: Văn Long.
Không nản lòng anh tiếp tục chào hàng một thời gian dài sau đó, khách hàng dần dần biết đến thương hiệu rau của anh, hợp đồng tiêu thụ rau càng nhiều lên làm cho diện tích đất nhỏ của anh không đủ cung cấp. Sau đó, anh quyết định mở rộng sản xuất, mua thêm 1ha rồi 6ha đất nông nghiệp.
Năm 2012, anh Khẩn đã quyết định thành lập Hợp Tác Xã Tân Tiến với 15 thành viên ban đầu sản xuất các loại rau ăn củ, quả và lá theo tiêu chuẩn VietGap . Lý giải điều này anh Khẩn cho hay: “Khi các hộ dân liên kết với nhau, canh tác theo một mô hình khép kín sẽ giảm được nhiều loại chi phí, đầu ra ổn định hơn và đặc biết là không bị ép giá”.
Toàn bộ nông sản của HTX Tân Tiến được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Văn Long.
Đến nay, HTX Tân Tiến đã có 20 thành viên với 30ha đất sản xuất, bên cạnh đó HTX còn liên kết với 80 hộ dân có khoảng 100ha. “Hàng năm, chúng tôi cung cấp khoảng 1.600 tấn rau củ như sà lách, su su, cải bó xôi, atiso, bắp cải, ớt ngọt, các loại cà chua cao cấp ra thị trường là các siêu thị trên cả nước . Với doanh thu khoảng 18 tỷ đồng và lợi nhuận trên 2 tỷ đồng mỗi năm, chúng tôi đã tạo việc làm cho khoảng 40 lao động thường xuyên trên địa bàn”, anh Khẩn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tân Tiến cho hay.
Chính vì những đóng góp cho địa phương mà anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào SXKD giỏi. Vừa qua, anh đã được Trung ương Hội nông dân bầu chọn là một trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018. |
Tác giả bài viết: Văn Long
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn