Vậy là trong cái khó đã có nhiều nhà nông xã Trần Hợi vượt lên, tìm khâu đột phá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất những mặt hàng mới, tạo sản phẩm có giá trị, thích nghi với cung - cầu theo cơ chế thị trường, dần xóa bỏ được tư duy “có gì bán nấy” và đã thành công nhờ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).
Dự án nhân rộng mô hình nuôi cua đinh thương phẩm ấp Kinh Chùa, xã Trần Hợi có 7 hộ tham gia nuôi 500 con, với tổng vốn 200 triệu đồng do Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư. Bình quân Quỹ HTND hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ mua con cua đinh giống. Sau 24 tháng nuôi, sản phẩm cua đinh thương phẩm bán ra thị trường, trừ chi phí, các hộ tham gia dự án có thêm thu nhập 51 triệu đồng/hộ.
Ông Ba Hộ kiểm tra ao nuôi cua đinh bố mẹ
Trang trại của ông Ba Hộ xây dựng trên diện tích 32.000m2, ông cơ cấu 20.000m2 đất trồng 2 vụ lúa, diện tích còn lại làm vườn trồng cam, bưởi, ổi, mặt liếp trồng rau, màu thời vụ, bờ bao trồng chuối. Ngoài ra, mặt nước tận dụng nuôi cá bổi, rô, cua đinh, ba ba, rùa; ông còn nuôi thêm heo, gà, vịt. Từ cơ cấu đa cây, đa con, mỗi năm gia đình ông thu từ 300 – 400 triệu đồng. Mô hình của ông cũng đã trở thành điển hình trong phong trào sản xuất – kinh doanh giỏi năm 2018 của tỉnh.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Việt Khải cho biết: Từ khi được công nhận xã nông thôn mới, hàng năm Hội đều tổ chức để các ấp tổng kết các mô hình sản xuất. Qua tìm hiểu, mô hình của ông Ba Hội nuôi cua đinh sống trong điều kiện môi trường tự nhiên vùng nước ngọt, là đối tượng dễ nuôi, tỉ lệ hao hụt thấp. Cua đinh nuôi 12 tháng đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg/con, thịt cua đinh rất ngon, ngọt.
Theo ông Khải, cua đinh (bố mẹ) được nuôi trong bể xi măng; con giống bố mẹ có giá khá cao (giao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg); cua đinh con sau khi nở 10 ngày có giá từ 350 đồng/con. Nông dân ở ấp Kinh Chùa rất đồng tình việc nhân rộng cây, con có hiệu quả kinh tế, nhưng cái khó ở đây phải tổ chức lại sản xuất đi đôi với chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn ban đầu cho người nhân rộng mô hình nuôi loài cua đinh.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nhân rộng mô hình nuôi cua đinh cho 7 hộ hội viên, nông dân ở ấp Kinh Chùa. Dự án “Nuôi cua đinh thương phẩm” đã tạo điểm nhấn, giúp nông dân nuôi con cua đinh theo cách làm “nông dân dạy nông dân”.
Trước mắt Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời phối hợp với khuyến nông, khuyến ngư thẩm định quy trình nuôi cua đinh, tập trung chuyên giao kỹ thuật nuôi cua đinh, tổ chức trao đổi kinh nghiệm nuôi cua đinh cho hội viên tổ chức theo mô hình nhóm, tổ sản xuất để tiếp tục nhân rộng mô hình. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn