Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Thông qua buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều thẳng thắn trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Công ty Thuần Nhất đề xuất, nhà nước tiếp tục quan tâm thực hiện một số chính sách đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ vốn vay chia sẻ khó khăn ban đầu đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đây chính là đòn bẩy tạo đà cho doanh nghiệp “cất cánh” trong tương lai.
Còn ông Huỳnh Thế Giới, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển nhà Cà Mau đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển đầu tư các dự án tại tỉnh.
Tuy vậy, ông Giới đánh giá vẫn còn vướng về cơ chế, chính sách cũng như những quy định bắt buộc chưa phù hợp liên quan đến việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện đồ án chi tiết…, khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, nguy cơ mất đi cơ hội đầu tư và rủi ro cao.
Việc chờ đợi giải quyết cấp phép quyền sử dụng đất cho các dự án đầu tư kéo dài, làm đến cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư.
Về việc cạnh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách, tình trạng “cò xe”, tranh giành khách gây mất trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn ra ở Cà Mau.
Ông Nguyễn Đức Nam, đại diện Công ty xe khách Hòa Hiệp đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh cần kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên để tạo hình ảnh đẹp trong lòng hành khách.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh... đã trả lời giải đáp thỏa đáng phần lớn ý kiến thắc mắc, bức xúc của doanh nghiệp đặt ra liên quan đến nội dung về đề xuất thực hiện biện pháp quản lý, bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hóa của nông dân để tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế đất, vốn vay tín dụng, thu hút dự án, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng khu nhà ở cho công nhân lao động, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý giá cát và giá vật liệu xây dựng...
Riêng đối với vấn đề xử lý chất thải, nước thải để tránh gây ra ô nhiễm môi trường cũng được nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau quan tâm, đặc biệt là việc vận chuyển, xử lý tồn đọng đầu vỏ tôm.
Trước đây, doanh nghiệp bán đầu vỏ tôm nhiều nhà máy chế biến bột tôm trong tỉnh với giá gần 20.000 đồng/kg, nhưng hiện nay bán không ai mua.
Mặt khác, do cơ quan chức năng tỉnh tăng cường quản lý siết chặt quản lý môi trường, nhiều nhà máy chế biến đầu vỏ tôm có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu về xử lý chất thải, nước thải đành phải ngừng sản xuất, dẫn đến việc không thu mua đầu vỏ tôm, đây là nguyên nhân đầu vỏ tôm bị ứ đọng tại một số các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nếu tình trạng đầu vỏ tôm tiếp tục ứ đọng, không được xử lý kịp thời thì nguy cơ nhà máy sẽ đóng cửa vì ô nhiễm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp cơ quan chức năng và doanh nghiệp tiến hành kiểm tra, rà soát để sớm đề xuất biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Về lâu dài, tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đầu vỏ tôm có công suất lớn với công nghệ hiện đại để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tai buổi gặp mặt đối thoại, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cam kết sẽ tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận dụng tốt nhất các chính sách có lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; quy trình, thủ tục đầu tư được công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện nhất quán sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ về quyết tâm đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính “phục vụ, liêm chính, hành động”.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định với nhà đầu tư, đó là Cà Mau không chỉ mời gọi thu hút đầu tư mà quan trọng hơn là đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả các doanh nghiệp.
Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào mọi lĩnh vực nhưng sẽ không tiếp nhận những dự án đầu tư mới gây ô nhiễm môi trường và sẽ xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, cố ý làm sai để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho trên gần 4.600 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 29.000 tỷ đồng; riêng 7 tháng đầu năm có 317 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký gần 1.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 164 Hợp tác xã và hơn 25.000 hộ kinh doanh cá thể. Cà Mau đã hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt có một số doanh nghiệp thủy sản nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam./.
Kim Há/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn