Nhiều ngư dân Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) giải thích: "Do thân có màu trắng đục như sữa nên loại cá này được đặt tên là mồm sữa. Tuy nhiên cũng có một số gọi là mồm non, bởi nó là loại nhỏ và để phân biệt với loại cá cơm mồm lớn hơn".
Cá cơm mồm sữa
Qua quan sát, cá mồm sữa có kích cỡ chỉ bằng từ 1/3-1/2 so với cá cơm mồm. Thế nhưng trái ngược với thân hình bé tí tẹo của nó, những ai đã từng thưởng thức cá mồm sữa đều có chung một nhận xét giống nhau là "ngon tuyệt cú mèo". Theo đó dù chế biến lúc còn tươi hay đã được phơi khô, cá mồm sữa vẫn có mùi thơm nhẹ và vị ngọt thanh đặc biệt vô cùng khó tả, khác hẳn với những loại cá khác.
Người dân đang thu gom cá mồm sữa sau khi phơi
"So với cùng loại là cá cơm mồm - một đặc sản đang được xuất khẩu đi một số nước châu Âu, châu Á, thì mồm sữa còn hơn một bậc nếu nói về độ ngon", lão ngư Trần Thanh Vân (65 tuổi) khẳng định.
Tuy cùng loại, thế nhưng kích cỡ và màu sắc của cá cơm mồm (trái) khác hẳn với mồm sữa
Chủ đại lý đang cân bán cá mồm sữa cho khách
Do ngon hơn nên cá mồm sữa cũng có giá gấp 1,5 lần so với cá cơm mồm thường, có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg tươi. Hiện cá mồm sữa phơi khô cũng đang là loại sản phẩm xuất khẩu được tiêu thụ mạnh tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...Vì kích cỡ quá nhỏ nên mồm sữa sau khi thu mua về không được trụng sơ qua nước sôi rồi mới mang đi phơi; mà được rải ra phơi trực tiếp.
Hiện loại cá này cũng đang được xuất khẩu và tiêu thụ mạnh ở nhiều nước
Vụ đánh bắt cá cơm mồm sữa hàng năm của ngư dân Phổ Thạnh cũng bắt đầu từ khoảng tháng 12 Âm lịch năm trước, kéo dài đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Toàn xã Phổ Thạnh có khoảng 140 chiếc tham gia đánh bắt loại hải sản này, với sản lượng khai thác tuỳ theo, từ 300-2000 kg cá tươi/chuyến/tàu.
Theo Công Xuân - Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn