Bóng tối qua dần
Chúng tôi có mặt ở vùng biển bãi ngang xã Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị), chứng kiến không khí nơi đây khác hẳn so với tháng 5, tháng 8.2016. Lúc ấy, bờ biển không một bóng người, thuyền nan úp mủng, lưới chài cuộn lại từng đống bỏ không trông như ngư dân để tang biển chết. Giờ đây, về biển đã ngửi thấy mùi của tôm cá, những con tàu được sơn sửa mới tinh, máy móc được tra dầu, bôi mỡ. Gặp chúng tôi, ngư dân Bùi Xuân Đoàn (48 tuổi, trú thôn 4, xã Gio Hải) hớn hở hỏi thăm: “Chú lại về thăm ngư dân đấy à. Bà con ở đây mới nhận tiền đền bù là sửa tàu thuyền, mua lưới ra khơi ngay. Mấy hôm nay trúng cá khoai, mỗi ngày kiếm được cả triệu bạc. Đúng là đời ngư dân không gì bằng biển chú ạ”.
Ngư dân Nguyễn Văn Nam (trú xã Gio Hải) kết thêm 1 tạ lưới để ra khơi đánh cá khoai (Ảnh: Ngọc Vũ).
Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương, ngư dân vùng ven biển bãi ngang Quảng Trị dần ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đến nay Quảng Trị đã chi trả xong tiền đền bù sự cố môi trường đợt 1. |
Ông Đoàn cùng ngư dân Nguyễn Văn Tình (trú cùng xã Gio Hải) dùng tre nẹp lại con thuyền 9CV cho chắc chắn. Vừa siết chặt sợi cước, ông Đoàn nhớ lại, hồi tháng 4.2016, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, cá chết nổi trắng bờ biển, ngư dân ai cũng trào nước mắt. Biển chết, hải sản không tiêu thụ được, ngư dân mất việc làm, cái ăn, cái mặc phải chạy từng bữa. Lúc ấy, vợ chồng ông Đoàn phải đổi sang nghề phụ hồ kiếm ngày 200.000 đồng tiền công để lo cho 2 con ăn học, chăm sóc mẹ già đau yếu. “Cái tay mình kéo lưới, chèo thuyền thì khỏe, khi chuyển qua phụ hồ vụng về không quen, làm chậm nên họ trả công thấp, mà cơ cực lắm. Thiếu ăn, thiếu mặc, con cái học hành, ma chay, cưới hỏi gì đều phải vay mượn khắp nơi. Chẳng riêng gì nhà tôi, tất cả ngư dân đều như vậy, giờ nghĩ lại sợ nổi da gà” – ông Đoàn nói.
Bức tranh tối màu ấy rồi cũng qua dần. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương, ngư dân vùng ven biển bãi ngang Quảng Trị dần ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đến nay Quảng Trị đã chi trả xong tiền đền bù sự cố môi trường đợt 1. Từ số tiền ấy, ngư dân có kinh phí tu sửa ngư lưới cụ để bám biển vươn khơi.
Ngư dân Bùi Đình Uyển (trú xã Gio Hải) cho hay, sau khi nhận hơn 64 triệu đồng tiền đền bù đã mua ngay 1 tạ lưới, đóng luôn chiếc tàu 9CV mới tinh để ra khơi. “Chiếc tàu cũ để không suốt 9 tháng đã gỉ sét, hư hỏng nên tôi bán, mua luôn chiếc mới đi biển cho năng suất. Tôi vừa trúng mẻ cá khoai 1 tạ bán 4 triệu đồng, coi như lộc đầu năm. Mong sao trời yên biển lặng để bà con ra khơi kiếm tiền ăn tết cổ truyền” – anh Uyển cho biết.
Ngồi kết tấm lưới mới mua, ngư dân Nguyễn Văn Nam (50 tuổi, thôn 5, Gio Hải) cho hay, đầu năm mới đến nay biển động, sóng dữ nên chỉ mới ra khơi được 4 chuyến nhưng cũng thu được 6 triệu đồng nhờ trúng mùa cá khoai. Cá khoai hiện nay đắt ngư tôm tươi, giá ngư dân bán ra là 30-50 nghìn đồng/kg.
Mở mang sản xuất
Ngư dân Bùi Văn Đoàn (trú xã Gio Hải) lên gân siết dây cước sửa lại con tàu 9CV cho chắc chắn để tiếp tục ra khơi (Ảnh: Ngọc Vũ)
Không chỉ trở lại vươn khơi bám biển, ngư dân Quảng Trị còn mở mang sản xuất, lập gia trại chăn nuôi, trồng trọt.
Vừa cho đàn gà 3 tháng tuổi ăn, anh Nguyễn Văn Triệu (trú thôn Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong) vừa mỉm cười cho biết, sau sự cố môi trường biển xảy ra, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã về tận nhà động viên, hướng dẫn anh chăn nuôi gà, vịt. Từ đó, anh Triệu nuôi 600 con gà, 1.000 con vịt, trồng gần 500m2 cây ném. Nhờ được chăm sóc tốt, đảm bảo kỹ thuật nên dù lần đầu tiên chăn nuôi số lượng lớn nhưng gà, vịt của anh Triệu khỏe mạnh, chóng lớn. Dịp Tết Nguyên đán này, anh Triệu sẽ xuất bán đàn gà, vịt trên, dự kiến thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài tiến hành chi trả tiền đền bù kịp thời, chính xác, tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ người dân ven biển khôi phục, phát triển sản xuất. Ví dụ như tỉnh đã cử kỹ sư về các xã ven biển để hướng dẫn khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mở ra nhiều mô hình nuôi bò nhốt, gà, vịt, dê, lợn rừng… trồng ném, mướp đắng, sả, hoa màu trên cát cho thu nhập cao.
Các ngân hàng NNPTNT, CSXH… đã tích cực tiếp cận ngư dân, cho vay vốn phát triển các mô hình có hiệu quả, đóng mới, cải hoán tàu thuyền vươn khơi xa. “Quảng Trị đang dồn toàn lực để giúp người dân ven biển khôi phục, phát triển sản xuất. Chúng tôi biết và tin rằng tinh thần bám biển vươn khơi luôn sẵn sẵng trong máu thịt của mỗi ngư dân tỉnh nhà. Chúng tôi đề nghị các cấp bộ, ngành siết chặt quản lý để không bao giờ xảy ra một sự cố môi trường biển đáng tiếc nào tương tự” – ông Đồng nói.
Theo Ngọc Vũ/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn