Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật
Thứ nhất, hệ thống các văn bản pháp luật hiện nay quy định về các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vẫn còn mang tính chung chung, chồng chéo và đặc biệt là thiếu tính ổn định. Điều nay gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Các quy định trong Luật đầu tư còn mang tính chung chung, quy định cụ thể lại nằm ở các văn bản dưới luật như là các nghị định, thông tư hướng dẫn. Nhưng đặc điểm của các văn bản dưới luật này lại thiếu tính ổn định và hay chồng chéo giữa văn bản nọ và văn bản kia. Ví dụ như Nghị định quy định về mức tiền thuế đất, thuê mặt nước tính từ năm 2005 đến năm 2014 đã được bổ sung và thay đổi đến 3 lần (Nghị định 142/2005, Nghị định 121/2010 và Nghị định 46/2014).
Các dự án FDI thường có thời hạn đầu tư tương đối dài nhưng chỉ một vấn đề là mức tiền thuê đất, thuê mặt nước mà thường xuyên thay đổi như vậy là không tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào cơ chế chính sách của Việt Nam.
Thứ hai, các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức FDI và tổ chức kinh doanh của các dự án đầu tư trong lĩnh vực này chưa tính đến những đặc thù riêng của ngành nông nghiệp và chế biến nông sản, hải sản (như mức độ rủi ro trong kinh doanh cao do phụ thuộc vào thời tiết, số lượng và chất lượng không ổn định dẫn đến chưa chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước thiếu vốn để thực hiện đầu tư…).
Thực tế cho thấy, các hình thức FDI hiện được áp dụng theo Luật Đầu tư chưa đáp ứng được những đòi hỏi trên và chủ yếu phù hợp với đặc điểm của ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ…, song chưa phù hợp với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, hải sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng dự án FDI vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản trong thời gian qua còn rất hạn chế.
Thứ ba, các văn bản hướng dẫn về đầu tư của nhà nước còn nhiều hạn chế, nhiều nội dung còn quy định chung chung, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi kiểm soát về thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Thứ tư, sự ưu đãi cho khu vực kinh tế nhà nước hoặc cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước là cản trở đối với các hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, ngay đến các ưu đãi đầu tư đã được cam kết trong giấy phép đầu tư cũng không được giữ nguyên khi chính sách thay đổi. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều niềm tin vào các ưu đãi của Chính phủ Việt Nam.
Chính sách đất đai
Có thể nói, vấn đề đất đai và những chính sách liên quan đến đất đai là rào cản lớn nhất để thu hút FDI vào nông nghiệp của Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận để tích tụ thành một diện tích đủ lớn để đầu tư vì đất đai canh tác nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ.
Do vậy, muốn tích tụ đất đủ lớn để triển khai dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với hộ nông dân; nếu thỏa thuận được thì phải chi phí 2 lần trả tiền sử dụng đất: tiền thuê hoặc mua đất của người có quyền sử dụng đất đồng thời lại phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước (tuy có được miễn giảm).
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp FDI không được thuê đất bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, sản xuất. Song nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang có nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp lớn để thực hiện khảo nghiệm.
Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện trái luật bằng cách thuê đất canh tác ở lân cận khu công nghiệp, khu chế xuất. Nếu để làm đúng quy định của luật, thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng với nông dân. Nhưng dự án về nông nghiệp thường phải dài hơn và quá trình khảo nghiệm về giống cây trồng, sản phẩm phục vụ nông nghiệp thường đòi hỏi thực hiện nghiêm theo quy trình, nên doanh nghiệp khó mà yên tâm nếu phải phụ thuộc vào ý thức của nông dân khi người nông dân luôn trong tâm thế sẵn sàng phá hợp đồng nếu có người trả giá cao hơn.
Cơ chế, chính sách về đất đai, mặt nước chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án FDI trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Mặc dù Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có nhiều quy định thông thoáng và ưu đãi nhiều hơn cho nhà đầu tư, song vẫn còn chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư rót vốn vào nông nghiệp.
Ví dụ như quy định về miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình (khoản 1, điều 7) là “Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư đó thì được Nhà nước hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này cho 5 năm đầu tiên kể từ khi hoàn thành xây dựng cơ bản”. Như vậy, mức hỗ trợ này theo nhiều nhà đầu tư vẫn còn thấp và thời gian hỗ trợ là quá ngắn so với thời gian một dự án đầu tư vào nông nghiệp từ khi hoàn thành xây dựng cơ bản, đến khi hoạt động và bắt đầu có lãi.
Hầu hết các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các dự án lâm nghiệp và các dự án có yêu cầu vùng nguyên liệu tập trung, đều triển khai chậm do gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề đất đai. Nhiều dự án trồng rừng gặp khó khăn do mới được giao một phần nhỏ diện tích đất trồng rừng so với quy định tại giấy phép đầu tư. Các dự án trồng và chế biến rau quả cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thuê đất và thực hiện hợp đồng với nông dân.
Thực tế tại các địa phương, đất đai đã được giao hết cho các hộ nông dân với quy mô sản xuất manh mún, đầu tư phân tán, chạy theo thị trường khiến các doanh nghiệp luôn bị động về nguồn nguyên liệu. Việc giao mặt nước cho nuôi trồng thuỷ sản nhất là vùng biển vẫn còn khó khăn do phải tính đến môi trường sinh thái trong khi khả năng quản lý và kỹ thuật vẫn còn hạn chế.
Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định mức tiền thuê đất, thuê mặt nước, nhưng mức giá thuê còn quá cao, đẩy chi phí dự án đầu tư lên quá cao gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Chính sách quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Các địa phương đã nỗ lực trong việc xây dựng các quy hoạch bao gồm các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch các ngành. Tuy nhiên, tác dụng của các bản quy hoạch này trong việc hỗ trợ thu hút đầu tư còn gặp nhiều rào cản sau:
- Việc tuyên truyền, phổ biến công khai các bản quy hoạch còn nhiều hạn chế. Rất ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm rõ được các bản quy hoạch mà phải thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau gây ra sự nhiễu loạn thông tin quy hoạch, do đó không tạo được lòng tin cho nhà đầu tư.
- Chất lượng các bản quy hoạch chưa cao. Công tác quản lý và sử dụng đất gặp nhiều bất cập do quy hoạch đôi khi vẫn đi sau thực tế sử dụng đất diễn ra ở nhiều địa phương. Một số bản quy hoạch có tầm nhìn 10 năm, 20 năm nhưng thực tế chỉ sau 5 năm đã trở nên lạc hậu. Các bản quy hoạch vẫn còn sự chồng chéo, đôi khi một diện tích đất nhưng có hai bản quy hoạch là quy hoạch ngành nông nghiệp và quy hoạch phát triển rừng gây hoang mang cho nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chưa kịp thời dẫn đến nhiều dự án đã triển khai lại không phù hợp với quy hoạch.
- Thiếu giải pháp khả thi trong thực hiện quy hoạch. Mặc dù các bản quy hoạch đều đưa ra các giải pháp thực hiện, nhưng các giải pháp này hoặc quá chung chung hoặc không khả thi do thiếu các nguồn lực thực hiện.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc do chưa xác định được giá bồi thường hợp lý.
Chính sách thuế, phí
Một trong những rào cản trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là do doanh nghiệp chưa tiếp cận được các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí. Ví dụ như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Việc hoàn trả thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa cũng không được thực hiện ngay bằng tiền mặt, mà chỉ được khấu trừ dần.
Các ưu đãi về thuế trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được ban hành năm 2008 và Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi một số điều của Luật Thuế TNDN được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013 (có hiệu lực từ 01/01/2014) được đánh giá là có sự đổi mới mạnh mẽ với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư phát triển.
Theo đó, ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh...
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, việc ưu đãi về thuế được quy định chung chung như vậy chỉ phù hợp với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, thương mại… mà chưa thực sự phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đặc điểm của ngành nông nghiệp là thời gian đầu tư ban đầu cao, chậm thu hồi vốn và hiệu suất sinh lời thấp, do đó nếu chỉ miễn giảm thuế có thời hạn tối đa dưới 10 năm thì các dự án sau thời gian được miễn giảm thuế e rằng cũng chưa sinh lợi nhiều cho nhà đầu tư thì đã chịu thuế 100%.
Thuế phí còn bất cập giữa nông sản nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bảo hiểm rủi ro trong sản xuất nông lâm thủy sản do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả chưa được phát triển là rào cản hạn chế lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần tập trung tháo gỡ các rào cản chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và nông nghiệp. Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư khi tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam. Và hơn thế nữa là tạo ra một môi trường đầu tư thực sự thuận lợi và minh bạch để ngày càng thu hút được nhiều dự án đầu tư đến từ các nước có nên nông nghiệp phát triển hiện đại.
Nguồn: tapchitaichinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn