Ông Thào Xuân Sùng (thứ 2 từ trái qua) trong buổi làm việc với PVFCCo (Đạm Phú Mỹ) - Ảnh: Quốc Hải
Trọng tâm của buổi gặp gỡ, đối thoại này ngoài mục đích lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các DN về các chính sách để tìm ra giải pháp, kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời cũng tạo mối liên kết chặt chẽ giữa T.Ư Hội Nông dân Việt Nam với các DN để tìm hướng đi cho nông sản Việt, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tạo sinh kế cho người nông dân khắp cả nước.
Trọng tâm là “tri thức hóa” cho nông dân
Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp nông nghiệp, ông Thào Xuân Sùng trăn trở, trên toàn quốc, giai cấp nông dân chiếm hơn 70% dân số nhưng con số thống kê mới nhất cho thấy, số nông dân được đào tạo nghề có chứng chỉ chỉ đạt 26%. Đáng nói là lực lượng nông dân có chứng chỉ nghề đó mới chỉ biết sản xuất hàng hóa, còn lại các kiến thức để làm sao tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thì chưa đáp ứng được.
Ông Thào Xuân Sùng (bìa phải), Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao quà tặng là sản phẩm nông nghiệp "cây nhà lá vườn" cho đại diện PVFCCo
“Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII này, tất cả Hội Nông dân các cấp sẽ cùng ngồi lại để đề ra các giải pháp đổi mới toàn diện về các nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp để từ đó hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tốt nhất. Trong đó, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là "tri thức hóa" cho người nông dân để làm sao cho người nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế”, ông Sùng tâm tư.
Cụ thể, theo ông Sùng, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam sẽ gõ cửa các DN, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để cùng ngồi lại lắng nghe, chia sẻ những khó khăn vướng mắc...
Đặc biệt, thông qua lần gặp gỡ này, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng muốn kết nối chặt chẽ hơn với DN theo chỉ thị về liên kết 6 nhà của Thủ tướng Chính phủ để tìm ra các giải pháp hỗ trợ nông dân.
“Tôi mong các DN sẽ cử các chuyên gia soạn thảo những kiến thức về chăm sóc cây trồng, cách bón phân đúng kỹ thuật, cách làm nông sản sạch... để cùng kết hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền kiến thức nông nghiệp cho người nông dân. Bởi thực tế mà nói, người nông dân Việt Nam đã canh tác đi hết chiều rộng, bây giờ chuyển sang chiều sâu là đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng đa số người nông dân chưa... biết bơi. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của DN và Hội Nông dân Việt Nam với vai trò đầu tàu...”, ông Sùng ví von.
Món quà "cây nhà lá vườn" được lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam gửi tới Công ty CP Phân bón Bình Điền để cảm ơn mối quan hệ "Đồng hành với nhà Nông" thời gian qua.
Trước trăn trở của lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HoSE: DPM), cam kết, sản xuất phân bón cũng là từ tài nguyên quốc gia, vì vậy PVFCCo luôn tâm niệm, sẵn sàng hỗ trợ tất cả vì người nông dân. “T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hãy đứng ra tổ chức các hội thảo, biên soạn giáo trình nâng cao kiến thức về sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng... PVFCCo sẽ cử các nhà khoa học cùng tham gia biên soạn các giáo trình đó để phổ biến kiến thức cho người nông dân”, ông Tân khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) cũng cho biết, mặc dù tình hình kinh doanh năm 2018 này gặp rất nhiều khó khăn do nhiều yếu tố về thời tiết, giá nông sản sụt giảm, phân bón nhập khẩu về ồ ạt và không chịu thuế... khiến lợi nhuận 9 tháng 2018 chỉ đạt khoảng 72% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ lâu nay Bình Điền với phương châm luôn là “Bạn đồng hành với nhà nông” nên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII này, Bình Điền sẽ tích cực “hiến kế” các giải pháp để giúp nông dân “vững bước” trong Cuộc Cách mạng 4.0 đang trở thành xu thế tại Việt Nam hiện nay.
“Chúng tôi sẽ động viên một thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo Công ty tham gia làm ứng viên Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, bởi chỉ có tham gia vào bộ máy tổ chức Hội Nông dân Việt Nam thì mới có thể lắng nghe, hiểu, cảm thông và chia sẻ với người nông dân cách tốt nhất. Từ đó, chúng tôi dưới góc độ điều hành doanh nghiệp mới có thể trở thành người bạn đồng hành mãi mãi với người nông dân khắp cả nước”, ông Thiệu chia sẻ.
Đừng để nông sản phải chờ... "giải cứu”
Bên cạnh câu chuyện về “tri thức hóa” cho người nông dân, một vấn đề trọng tâm khác mà Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đặt ra với các doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là câu chuyện đầu ra cho nông sản Việt.
Tại Công ty CP Hàng không VietJet (HoSE: VJC), ông Sùng đã đặt vấn đề về việc kết nối các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc sản các vùng quê Việt Nam... lên các chuyến bay của hãng hàng không này. Theo ông Sùng: “Việc đưa nông sản sạch, đặc sản Việt Nam lên các chuyến bay của VietJet đi khắp cả nước, qua 11 nước bạn mà Vietjet có đường bay không chỉ góp phần giải quyết câu chuyện tìm đầu ra cho nông sản Việt mà qua đó còn góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam cho bạn bè năm châu”.
Lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giới thiệu chiến lược kinh doanh của mình với ông Thào Xuân Sùng (ở giữa), Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam
Trong khi đó, với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - một tập đoàn lớn đang bắt đầu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ở khâu phân phối sản phẩm - ông Sùng đánh giá cao hướng đi và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Tập đoàn này.
“Mới đây, trong một cuộc họp với UBND TP.HCM, tôi có một bài tham luận về nền nông nghiệp đô thị tại TP.HCM, trong đó tôi đã đặt vấn đề và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người nông dân, tăng chất lượng đầu tư cho nông nghiệp... và quan trọng nhất là làm sao để xây dựng thành công chuỗi giá trị nông sản vì đó mới là căn cơ để giải quyết sinh kế cho người nông dân TP nói riêng, cả nước nói chung. Sau bài phát biểu, đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ôm tôi và xúc động khi tôi đã chỉ ra một số giải pháp để giúp TP.HCM trở thành trung tâm kết nối nông sản cho Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và một phần của Tây Nguyên theo đúng chỉ thị đề ra tại Nghị quyết T.Ư 8 vừa qua”, ông Sùng nói.
Theo ông Sùng, chiến lược của Vạn Thịnh Phát trong việc phát triển hệ thống kho vận để tiêu thụ nông sản là một hướng đi chính xác. Câu chuyện về một nước Nhật Bản đâu có được tài nguyên và thuận lợi như TP.HCM nhưng lại phát triển mạnh mảng nông nghiệp nhờ hệ thống kho vận hiện đại là một câu chuyện đáng suy gẫm và để chúng ta học hỏi, bởi nếu làm tốt việc kết nối nông sản, TP.HCM sẽ là mắt xích quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị.
“Tôi hy vọng, trong vài năm tới nhờ sự hợp tác giữa T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và các DN, tập đoàn nông nghiệp, nhất là những DN ‘dám nghĩ, dám làm’ như Vạn Thịnh Phát sẽ giúp tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là... đẩy lùi câu chuyện “giải cứu nông sản” đang nhức nhối thời gian qua”, ông Sùng tin tưởng.
Theo Quốc Hải/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn