Ngoài việc hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dự án còn tập huấn kiến thức về một số lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao năng lực về chiến lược, quy hoạch, cải thiện năng lực sản xuất cho người dân...
Trưởng BQL dự án Lê Trọng Kim cho biết: “Với các mục tiêu của dự án, những năm qua, chúng tôi đã tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và nông dân về kiến thức sản xuất, khuyến nông, chuỗi giá trị, phát triển tổ hợp tác, HTX, bình đẳng giới và môi trường.
Chuỗi sản phẩm chè do dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân vùng hưởng lợi. |
Kiến thức về nghiên cứu thị trường và xây dựng các kế hoạch phục vụ công tác khuyến nông, điều tra quy hoạch. Về phát triển lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực (lúa, lợn, bò, chè, rau, củ, quả)”. Đến nay, có 9.927 lượt nông dân (trong đó có 40% nữ) được nâng cao năng lực về khuyến nông, kiến thức chuỗi giá trị, lĩnh vực sản xuất lúa giống, giới và môi trường, trong đó, 1.679 lượt nông dân tập huấn về giới và môi trường.
Thông qua 82 khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, người nông dân không chỉ hiểu về kiến thức lý thuyết mà còn được thực hành theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa gắn với các mô hình sản xuất do dự án hỗ trợ. Cán bộ dự án hướng dẫn cho bà con đầy đủ các biện pháp kỹ thuật từ cấy, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch để tăng năng suất trên đơn vị diện tích cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Hữu Việt - nông dân thôn Văn Minh, xã Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Thông qua lớp tập huấn, bà con chúng tôi đã hiểu được một số khái niệm về giống lúa tốt, thị trường giống lúa hiện nay, biết được các kỹ thuật, quy trình để tạo ra giống lúa tốt nhằm nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập”.
Ngoài lúa, dự án cũng tổ chức 11 khóa tập huấn sản xuất thâm canh, tấp tủ chè cho 677 nông dân tại xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh). Từ tập huấn các kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất chè cho nông dân tham gia mô hình chuỗi giá trị (năm 2014), dự án đã trang bị cho nông dân kỹ thuật sản xuất chè theo hướng VietGAP với mong muốn tăng chất lượng chè, từ đó, nâng cao thu nhập cho bà con.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, dự án cũng đã tổ chức 4 khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo mô hình chuỗi giá trị cho 155 hộ, 3 khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò tại 150 hộ. Trong đó, giới thiệu các giống sạch bệnh, vỗ béo, chăm sóc, phòng trị bệnh, tiêm vắc-xin theo đúng quy trình; hướng dẫn cách xử lý chất thải ủ phân xanh, bể biogas.
Dự án còn tổ chức 13 khóa đào tạo nghề cho 455 học viên, trong đó, nữ chiếm 70,3% đến từ 13 xã vùng dự án. Các ngành nghề được đào tạo chính như: trồng lúa, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, lợn. Thời gian đào tạo nghề trồng lúa là 2 tháng; nghề chăn nuôi trâu, bò, lợn 3 tháng. Chị Nguyễn Thị Hiền - cán bộ dự án cho biết: “Các khóa tập huấn đã góp phần tăng cường “Khả năng tiếp cận công nghệ mới và các dịch vụ hỗ trợ dựa trên các cơ hội thị trường của các nhóm mục tiêu” cho người dân. Đến nay, các hoạt động của dự án đều được nông dân hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Nông dân bắt đầu ứng dụng các kỹ thuật mà dự án giới thiệu; các giống mới đưa vào được nông dân chấp nhận và mở rộng sản xuất trong các vụ tiếp theo. Nông dân tự nguyện tham gia các tổ nhóm sản xuất, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau thông qua họp nhóm. Một số nơi, nông dân đã dần quen với sản xuất tập trung sử dụng đồng nhất một giống, một quy trình sản xuất để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn hơn, có độ đồng đều cao hơn và có ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp”.
Không chỉ được cung cấp kiến thức mới về chăn nuôi, trồng trọt, các lớp tập huấn còn là môi trường để bà con nông dân được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó, gắn kết tập thể trong xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, HTX. Thông qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn