Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ cho biết, thời gian qua, hoạt động của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân thành phố có những chuyển biến tích cực, góp phần giúp nông dân sản xuất có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Trong giai đoạn 2012-2016, Sở đã phối hợp với Hội Nông dân Cần Thơ mở 1.058 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 20.435 hội viên nông dân; thực hiện vận động tương trợ giúp cho 4.073 hộ hội viên nghèo phát triển sản xuất, với trên 455 tấn lương thực, thực phẩm, hàng hoá, cây con giống, tổng số tiền trên 43 tỷ đồng; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới, với tổng trị giá trên 41,2 tỷ đồng; xây dựng 99 mô hình tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và 75 mô hình “Dân vận khéo”.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đến nay tổng dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội là trên 710 tỷ đồng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 91 tỷ đồng cho trên 38.000 lượt hộ vay.
Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng tăng thêm gần 3 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn vận động lên 8,1 tỷ đồng, đã giải ngân trên 1.750 lượt hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Với chủ trương đổi mới đúng đắn về phát triển kinh tế nông thôn của chính quyền thành phố và sự sáng tạo trong tư duy sản xuất của nông dân, đến nay Cần Thơ đã xuất hiện nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, đạt hiệu quả cao. Số hộ thu nhập từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/năm đạt 227.000 lượt hộ, thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm đạt 7.327 lượt hộ.
Qua đó đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu cảnh nghèo, quyết tâm vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương và khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của thành phố.
Tính đến tháng 3/2017, Cần Thơ có 234.265 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi; trong đó, có 10 tập thể và 20 cá nhân được trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP tại Hội nghị lần này do có thành tích thi đua sản xuất nổi bật giai đoạn 2012-2016. Đó là hộ ông Tiêu Ngọc Lợi, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình sản xuất lúa, kinh doanh vật tư nông nghiệp thu nhập hàng năm trên 2,2 tỷ đồng.
Hộ ông Cao Phát Triển, quận Ô Môn với mô hình vườn lắp đặt hệ thống tưới tiêu điều khiển từ xa bằng điện thoại di động, thu nhập hàng năm gần 2 tỷ đồng. Hộ ông Hà Tấn Tâm, phường Thới An với mô hình vườn - nuôi thủy sản - dịch vụ vận tải mang về thu nhập trên 10 tỷ đồng mỗi năm... được bình chọn là nông dân điển hình toàn thành phố.
Về công tác phát triển phong trào nông dân giai đoạn 2017-2021, ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân Cần Thơ cho biết, các cấp Hội sẽ phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua qua, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để hội viên nông dân hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc tham gia thực hiện phong trào, từ đó hăng say lao động, sản xuất, vượt lên khó khăn, không ỷ lại, phấn đấu thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật; không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh và kiến thức quản lý thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp và công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lưu ý Hội Nông dân thành phố thời gian tới tập trung vào các vấn đề liên kết, hợp tác, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo; gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho nông dân; phát triển Hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động Hội.
Đặc biệt, cần phối hợp trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu của thành phố theo hướng dịch vụ, thương mại – công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao; xác định thế mạnh của từng địa bàn quận, huyện để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thu đua sản xuất.
Hội phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới cả về lượng và chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và vật nuôi; tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác, hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, gắn với thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Hồng Giang (TTXVN)