ác sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu tại một hội chợ nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ. Ảnh minh họa: Trung Chánh
heo đó, đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 1.874,5 tỉ đồng và được chia làm hai giai đoạn đầu tư trong khoảng thời gian 2017-2020 và 2021-2025. Dự án được chia thành khu trung tâm, khu thu hút đầu tư sản xuất và khu chế biến, bảo quản.
Với việc đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố Cần Thơ kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.
Dự án cũng đề ra mục tiêu hình thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các tổ chức khoa học công nghệ và đào tạo, tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp của thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)….
Liên quan đến mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, trong giai đoạn 2017-2020, đề án sẽ tập trung cho việc hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao như chuẩn bị thủ tục đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, hình thành ban quản lý, xây dựng mối liên kết, hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Cần Thơ sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để lấp đầy diện tích và đối tượng sản xuất cũng như công nghệ sẽ do nhà đầu tư quyết định, nhưng phải đảm bảo các tiêu chí quy định của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố Cần Thơ sẽ đầu tư hoàn thiện cơ bản hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, hàng rào bảo vệ khu; triển khai đầu tư xây dựng khu điều hành; hình thành và phát triển 5-10 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; mỗi năm đào tạo 500-1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, nông dân về kiến thức nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2021-2025, đề án đề ra mục tiêu triển khai nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao các quy trình công nghệ và sản xuất đại trà giống cây, con..., chủ yếu như lúa, rau, hoa, cây ăn trái, heo, bò, gà, vịt, thủy sản.
Cần Thơ cũng sẽ tập hợp và xây dựng mạng lưới vệ tinh cho khu nông nghiệp công nghệ cao như nông hộ, trang trại, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp..., nhằm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ ra sản xuất đại trà các sản phẩm, dịch vụ của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố sẽ hoàn thiện trụ sở điều hành của ban quản lý, các phòng phân tích, thí nghiệm.
Đề án cũng đề cập đến việc kết hợp ngành du lịch của Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL nhằm xây dựng hệ thống các điểm và tour tham quan sinh vật cảnh, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái để giới thiệu các mặt hàng nông - thủy sản chất lượng cao của khu nông nghiệp công nghệ cao.
Trao đổi về đề án này, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương đã chỉ đạo đơn vị tư vấn xây dựng là Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp TPHCM xem xét phân kỳ hợp lý các giai đoạn đầu tư cũng như tính toán lại nguồn vốn đầu tư cho hợp lý hơn.
Theo ông Dũng, dự kiến đầu tháng 6-2017, đề án sẽ được trình đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và thông qua trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Theo thông tin từ báo cáo đề án thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao Cần Thơ, tính đến nay cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc 7 vùng kinh tế. Trong đó, có 7 khu đã đi vào hoạt động tại 7 tỉnh thành gồm Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, TPHCM và Bình Dương. Có 22 khu đang tiến hành quy hoạch tại 13 tỉnh thành; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn