Từ tháng 8 đến nay, đã hình thành thói quen đều đặn mỗi tuần 2 lần vào thứ 5 và thứ 7, cứ khoảng 5 đến 6 giờ tối, bà con trong bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng lại mang túi, xô rác thải sinh hoạt ra để ngoài đầu cổng. Hơn 6 giờ tối, 3 xe đẩy được tổ dọn vệ sinh của bản với 3 thành viên đi dọc các tuyến nội bản thu gom rác và đưa về nơi tập kết để xe thu gom rác Công ty môi trường đô thị đến đưa đi. Chị Vũ Thị Phương, Tổ trưởng tổ thu gom rác bản Lò Suối Tủng cho biết: Tổ chúng tôi được thành lập từ tháng 8 ngay sau khi có dự án triển khai. Nhiệm vụ của chúng tôi là mỗi tuần 2 lần thu gom rác tại các hộ dân và đưa về nơi quy định. Mỗi tháng tổ được nhận hơn 1 triệu hỗ trợ cho 3 người, thực ra nó rất là ít so với công sức chúng tôi bỏ ra nhưng bản thân chúng tôi thì luôn cố gắng làm công việc này. Nhìn thấy đường làng, ngõ bản luôn sạch sẽ, góp phần vào xây dựng nông thôn mới thì chúng tôi đều rất vui, chúng tôi cũng mong duy trì được dự án này lâu dài để giúp bảo vệ môi trường sống.
Theo ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Dự án “Thu gom, phân loại rác thải trong sinh hoạt, bảo vệ môi trường nông thôn” được đơn vị khảo sát, lựa chọn thực hiện tại 03 bản Lò Suối Tủng, Xéo Sin Chải, Phan Lìn (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Tổng kinh phí 180 triệu đồng trong đó nguồn từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 100 triệu đồng, địa phương và người dân đóng góp 80 triệu đồng. Lý do lựa chọn dự án để thực hiện mô hình điểm tại đây là do xã San Thàng có nhiều bản thuộc đồng bào dân tộc sinh sống, nguồn lực đầu tư công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là việc thu gom, xử lý rác thải trong sinh hoạt và chăn nuôi còn hạn chế. Bên cạnh đó trình độ dân trí, phong tục, tập quán còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp phân tán, tình trạng chăn thả gia súc tự do vẫn còn diễn ra khá phổ biến gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Hiện nay, xã đã đạt được 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí Quốc gia, tuy nhiên, tiêu chí bảo vệ môi trường còn đạt thấp. Xã cũng chưa đầy đủ điều kiện về trang thiết bị cần thiết để xử lý, do đó cần phải thu gom chất thải, rác thải, tập trung đến những địa điểm cụ thể để xe thu gom rác của Công ty Môi trường Đô thị thu gom trước khi đưa đi xử lý.
Không chỉ riêng ở xã San Thàng mà phần lớn các xã vùng sâu, vùng xa, các xã khó khăn cuả các địa phương trong tỉnh, các khu dân cư chưa có hoặc có rất ít thùng thu gom rác tập trung, có nơi do giao thông khó nên xe môi trường không thể đến thu gom rác. Chính vì vậy, việc thực hiện dự án không chỉ nhằm hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho các khu dân cư thu gom rác thải mà còn để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tiếp tục nâng tiêu chí về môi trường trong việc duy trì xã nông thôn mới.
Ngay khi bắt đầu triển khai dự án, Hội Nông dân tỉnh đã mở lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức vệ sinh môi trường nông thôn cho 100 lượt cán bộ, hội viên nông dân xã San Thàng; đầu tư 12 xe thu gom rác thải, 04 thùng đựng rác, hướng dẫn kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải. Thành lập 03 tổ thu gom rác thải tại 03 bản chọn làm mô hình điểm. Với mục tiêu 100% số hộ của 03 bản Lò Suối Tủng, Xéo Sin Chải, Phan Lìn đổ rác đúng nơi quy định; thực hiện quy chế thu gom rác thải của mô hình. Đến cuối năm 2016, 80% lượng rác thải sinh hoạt trong 03 bản làm mô hình được thu gom, vận chuyển đến bãi rác, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Ổn định lâu dài việc thu gom rác thải, không để tồn trong khu dân cư... nên trong quá trình triển khai dự án, Hội Nông dân tỉnh luôn phối hợp với chính quyền xã theo sát cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.
Trưởng bản Lò Suối Tủng, ông Nguyễn Văn Tuế nói: Bản tôi có 80 hộ thì đến nay gần hết số hộ đã tham gia thực hiện dự án, ký cam kết tự giác thực hiện thu gom rác thải tại gia đình và cùng dọn đường làng ngõ bản. Các hộ cũng tự nguyện đóng góp mỗi tháng 10.000 đồng để hỗ trợ tổ thu gom rác thải. Mong muốn của bà con là dự án kéo dài để dần hình thành ý thức tự bảo vệ môi trường của người dân trong bản. Chúng tôi cũng đưa nội dung này vào hương ước của bản để tất cả các hộ đều có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện.
Đánh giá hiệu quả của dự án, ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, sau khi triển khai, ý thức của bà con tại 3 bản đã nâng cao hơn, họ hình thành thói quen phân loại rác sinh hoạt tại gia đình, giữ vệ sinh và dọn vệ sinh chung của khu dân cư theo định kỳ. Tại 3 bản đã có thùng đựng rác, xe đẩy thu gom rác, điều kiện môi trường sinh hoạt được cải thiện rõ rệt. Mô hình thí điểm có thể triển khai nhân rộng ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi trong tỉnh.
Dự án “Thu gom, phân loại rác thải trong sinh hoạt, bảo vệ môi trường nông thôn” với mô hình điểm tại 3 bản của xã San Thàng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, để nhân rộng được mô hình, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh, nhất là có được sự đầu tư kinh phí ban đầu cho các xã có thể thực hiện được như: Trang cấp xe đẩy thu gom rác, thùng đựng rác, hỗ trợ công cho đội thu gom rác để hình thành thói quen cho bà con, sau đó sẽ đưa vào quy ước, hương ước để thực hiện. Như vậy sẽ góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả hơn./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn