Cùng với đó là nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao năng lực sản xuất, đời sống vật chất tinh thần của người dân và đưa năng suất lao động nông nghiệp lên cao hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
ăm 2017 được xem là một dấu mốc mang tính bước ngoặt của ngành Nông nghiệp Việt Nam, điển hình là việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, thay vì coi sản xuất lúa gạo là hàng đầu thì nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao.
Với hướng đi đó, năm vừa qua ngành đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,4 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng 2,6 tỷ USD.
Lập kỳ tích trong khó khăn Nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm với việc trực tiếp tham dự, chỉ đạo gần 20 cuộc họp liên quan trong năm 2017.
Nhìn lại năm 2017, một năm nhiều biến động với những kỷ lục về thiên tai với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước, đã gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng, tác động lớn đối với tăng trưởng nông nghiệp của đất nước.
Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức kể trên, cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, bà con nông dân đã vào cuộc ráo riết, quyết liệt, tập trung để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, luôn tìm tòi đưa ra giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: “Chưa bao giờ ngành Nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo như bây giờ. Chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay”.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2017, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. doanh nghiệp. Với sự quan tâm rất cao đó, năm 2017 toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vượt khó để đi lên với những thành tựu rất đáng trân trọng: Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%.
Trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, đến hết năm 2017 đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó, chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, đạt 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%.
Đóng góp quan trọng vào thành công của đất nước Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tham dự buổi làm việc và đóng góp ý kiến tâm huyết, nhằm mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp nước nhà. Đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cũng băn khoăn bởi “Một đất nước tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” với hơn 70% người dân sinh sống ở nông thôn, trên 42% lao động ở nông thôn nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 15% trong cơ cấu kinh tế.
“Sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam thành công khi nông nghiệp, nông thôn thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh và đánh giá, trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt kỷ lục, nhưng năm 2017, ngành Nông nghiệp vẫn đạt, vượt những mục tiêu quan trọng và vượt cao so với 2016. Trong thành tích kinh tế-xã hội vượt trội của 2017, ngành Nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào thành công của đất nước.
GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 2,9%, gấp trên hai lần năm 2016, đóng góp 0,44% vào mức tăng trưởng của cả nước, nhất là một số ngành hàng rau, củ quả, đồ gỗ, hạn chế nhập siêu - cội nguồn lạm phát của nền kinh tế. Nông nghiệp công nghệ cao bước đầu thành công.
Công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời hơn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với vai trò chủ trì của ngành nông nghiệp, “Tôi rất ấn tượng về việc chỉ đạo này”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp và nhiều doanh nghiệp đã thành công. “Phi doanh nghiệp, không có HTX kiểu mới thì khó thành công trong nông nghiệp”, Thủ tướng nói và cho rằng, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.
“Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không những uy tín với Chính phủ mà rất uy tín với người dân”, Thủ tướng biểu dương Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với nhiều nỗ lực, tâm huyết, đổi mới ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong cả nước, các tổ chức, các cá nhân, doanh nghiệp và bà con nông dân đã tham gia phát triển nông nghiệp Việt Nam, đóng góp vào thành công của bức tranh nông nghiệp nước nhà.
“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” “Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cuối năm giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đi sâu phân tích những tồn tại, hạn chế và đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cần có những biện pháp tháo gỡ, không chủ quan, tự mãn với những thành tích bước đầu.
Theo đó, tái cơ cấu chưa mạnh mẽ, trồng trọt theo thói quen vẫn phổ biến ở nông thôn. Thói quen sản xuất tiểu nông, đơn giản, nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Vi phạm trong nông, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn, điển hình như tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp vẫn diễn ra, bị EU đánh thẻ vàng. “Vấn đề này cần chỉ đạo mạnh mẽ”, Thủ tướng yêu cầu. Hay tình trạng phá rừng, nhất là rừng tự nhiên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, một số bộ, đơn vị vẫn lấy rừng phòng hộ làm những việc không cần thiết, Thủ tướng phê bình.
Bên cạnh đó, năng suất lao động còn thấp, vẫn là “bài toán đau đầu của đất nước, của các ngành, các cấp” mà chưa có hướng ra. Tình trạng sản xuất nông nghiệp còn bị động, được mùa, rớt giá vẫn là nỗi lo của Quốc hội, của lãnh đạo đất nước, Thủ tướng quan ngại.
Cho rằng, một bộ phận không nhỏ đời sống của ngư dân, diêm dân, vùng núi, vùng cao, vùng dân tộc còn khó khăn, nhất là sau thiên tai, Thủ tướng đề nghị: “Phải thấy nỗi đau đau đáu này để tiếp tục dành nguồn lực xây dựng nông thôn Việt Nam”.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhắc nhở một số ngành, địa phương còn tư tưởng lơ là, coi nhẹ, chưa thực sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ vẫn còn tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”. “Người nông dân cần làm gương bảo vệ mình và bảo vệ người tiêu dùng”, Thủ tướng đề nghị.
Đưa ra những chỉ tiêu và nhấn mạnh đây là trách nhiệm nặng nề của ngành nông nghiệp trong năm 2018, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đạt 3%; trong đó nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,5% và thủy sản 5%. Xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; 52 huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần thực hiện ngay các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đặc biệt Nghị quyết 01 của Chính phủ, quán triệt, thực hiện nghiêm phương châm 10 chữ: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả; xây dựng chỉ tiêu cụ thể làm định hướng phấn đấu.
Xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tốt đầu vào, tăng năng suất, mở rộng thị trường và quan tâm hơn nữa đến môi trường ở nông thôn.
Với định hướng đó, Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục đổi mới tư duy, sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, “làm những gì có lợi nhất cho thị trường”. Cơ cấu hợp lý giữa chăn nuôi và trồng trọt, nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay ở các địa phương, mô hình trao đổi nghề nông như hội quán nông dân ở Đồng Tháp.
Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất và đặc biệt chủ động hơn nữa trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức tốt nguồn hàng, đảm bảo an toàn thực phẩm để giữ vững và mở rộng thị trường; song song với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các địa phương phải chủ động, sáng tạo đầu tư sản xuất nông nghiệp “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, Thủ tướng mong muốn.