Đây là điều trái ngược với các tỉnh miền Bắc, nơi bản quyền giống lúa được các DN SXKD giống cũng như người nông dân tuân thủ một cách tuyệt đối. Các công ty chỉ SX những giống lúa mà họ mua, được chia sẻ bản quyền. Trong trường hợp một giống lúa đã được “phóng thích” ra ngoài SX quá lâu, không thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân nào thì giống đó mới được phép SX rộng rãi mà không phải xin phép, hoặc trả phí bản quyền.
Giống lúa Đài Thơm 8 gạo ngon, đủ tiêu chuẩn XK |
Ở ĐBSCL, bản quyền giống lúa còn là thuật ngữ khá xa lạ với nông dân, có chăng chỉ một số DN, trung tâm giống lúa nắm được, nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện một cách nghiêm túc. Thường thì các DN giống ký hợp đồng với nông dân SX lúa giống, cuối vụ DN thu mua số lúa trên ruộng sau khi kiểm nghiệm đạt chất lượng thì nông dân sẽ được chi trả thêm 10% trên cơ sở giá lúa thịt, chứ người dân không “màng” đến việc chi trả tiền bản quyền.
Với lượng lúa giống sử dụng để SX trong 1 năm khá lớn, đặc biệt ở ĐBSCL nông dân có tập quán sạ dày nên lượng giống cần nhiều, nếu chỉ tính sơ sơ với giá chuyển nhượng là 200 đồng/kg, mà không thu phí bản quyền chuyển nhượng giống thì những nhà nghiên cứu, công ty SXKD lúa giống như Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) đã mất hàng tỷ đồng/năm.
Nhớ lại năm 2016, từng ồn ã vụ xâm phạm bản quyền các giống cây trồng của Tập đoàn Lộc Trời. Lộc Trời khẳng định "chủ quyền" với 4 giống lúa thuần, trong đó có giống lúa OM5451. Đây là những giống lúa triển vọng top đầu tại ĐBSCL. Được biết, các giống lúa có tên khởi đầu là hai chữ cái “OM” xuất xứ từ Viện lúa Ô Môn hay còn gọi là Viện lúa ĐBSCL (đóng tại TP. Cần Thơ), chiếm tới trên 70% cơ cấu giống lúa toàn vùng. Trước đây, việc sử dụng giống lúa này không phải trả bất cứ chi phí nào, đã trở thành "thông lệ" và được hiểu là sở hữu chung.
Nhưng kể từ khi Viện lúa Ô Môn chuyển giao quyền sở hữu cho Lộc Trời thì mọi việc đã khác, nghĩa là các đơn vị SXKD giống phải được sự cho phép và trả tiền bản quyền cho Lộc Trời nhưng một số đơn vị đã không tuân thủ. Và tình trạng “rối như canh hẹ” trong việc quản lý bản quyền các giống lúa ở ĐBSCL đã xảy ra.
Và nếu tình trạng này không được xử lý sẽ gây thiệt hại lớn cho các DN đã móc hầu bao hàng tỷ đồng ra mua bản quyền từ các Viện Nghiên cứu hoặc DN tự nghiên cứu. Bởi một khi DN chấp nhận đầu tư nghiên cứu giống mới hoặc mua bản quyền thì DN đó có toàn quyền khai thác giống, và chỉ khi DN chuyển nhượng bản quyền thì tổ chức, cá nhân tiếp nhận mới được phép SXKD giống, tất nhiên là phải trả phí.
Hiện nay, ngoài các Viện, Trường, thì những công ty hàng đầu như SSC cũng tự đầu tư trung tâm nghiên cứu giống lúa. Các nhà khoa học khi chọn tạo, phóng thích ra một giống mới đương nhiên họ xài ngân sách Nhà nước, vậy DN thì sao? SSC phải đầu tư cơ sở vật chất và con người trong một thời gian dài mới mong có được một giống mới với nhiều ưu điểm như Đài Thơm 8. Và khi thương mại hóa, SSC cần nhiều thời gian và chi phí để giới thiệu, quảng bá giống lúa này.
Thế nhưng hiện nay, tình trạng xâm phạm bản quyền giống lúa Đài Thơm 8 do tập thể SSC nghiên cứu, lai tạo đang diễn ra phổ biến tại các tỉnh ĐBSCL. Giống đang bị các công ty kinh doanh hạt giống liên tục vi phạm bản quyền mà chưa được các cơ quan quản lý bảo vệ tích cực như các tỉnh phía Bắc.
Ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa Ô Môn cho rằng, việc thu phí bản quyền giống lúa có thể giúp các DN, đơn vị nghiên cứu giống có tiềm lực tài chính đầu tư, nâng cấp, khẳng định sản phẩm của họ làm ra. Đây cũng là nguồn kinh phí để các DN, viện nghiên cứu giống tiếp tục cho ra đời nhiều giống lúa ưu việt hơn.
Vì vậy, Bộ NN- PTNT cần thực thi chặt chẽ, mạnh mẽ, khách quan và minh bạch về quyền sở hữu trí tuệ giống cây trồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng phải có chế tài xử phạt cao hơn mức lợi nhuận đạt được đối với việc vi phạm bản quyền giống lúa như hiện nay.
"Với việc sử dụng giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng, hiện nay Bộ NN- PTNT đã có những quy định về đăng kí bản quyền sử dụng, kinh doanh giống. Trong trường hợp đơn vị hoặc cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ ", ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam cho biết.
Trước thông tin, có việc vi phạm bản quyền giống lúa Đài Thơm 8 tại một số tỉnh ĐBSCL, vừa qua thanh tra Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT) đã vào cuộc. Và những đơn vị "cầm nhầm" bản quyền giống lúa này đã bị đề nghị xử phạt, gồm Công ty CP Phát triển giống miền Nam ở ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè, Tiền Giang); hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Thảo ở ấp 5 xã Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy, Tiền Giang); hộ kinh doanh Nguyễn Việt Tiên ở tổ 14, ấp Mỹ Đông II, xã Mỹ Tho, huyện Cao Lãnh (Cty CP Nhựt Nông- An Giang, chi nhánh Đồng Tháp); Công ty TNHH MTV HB Bạc Liêu ở số 208, ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng A (Vĩnh Lợi, Bạc Lieu); Công ty TNHH MTV Giống cây trồng An Giang ở Bào Môn, xã Thạnh Hưng (TX Kiến Tường, Long An). Các lỗi vi phạm của các cá nhân, tổ chức gồm: Vi phạm quy định về sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên giống cây trồng đã được bảo hộ, được quy định tại điểm khoản 3, Điều 12, Nghị định 31/2016/NĐ-CP. Vi phạm quy định về ghi nhãn không đúng bản chất về không đúng sự thật về hàng hóa đó được quy định tại điểm a khoản 3, Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn