Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu xóa bỏ tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng”. |
Đây là Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động SX, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN-PTNT), sau 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp 526, chương trình đã đạt được nhiều kết quả.
“Các nội dung triển khai trong chương trình thời gian qua đã được tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa đến các địa phương trên cả nước, người SX, kinh doanh thực phẩm; tác động mạnh đến nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm, đồng hành chung tay SX, kinh doanh thực phẩm an toàn, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Bước sang năm thứ 2, chương trình đặt chỉ tiêu: 100% tỉnh, thành và 90% huyện, thị và cơ sở hội phát động phong trào nông dân, phụ nữ SX, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn.
100% các dự án, mô hình, tổ nhóm do các cấp hội xây dựng, tổ chức SX, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì phát triển bền vững. Tổ chức, vận động 80% hội viên nông dân, phụ nữ SX, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; dần xóa bỏ tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp 526. |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả sau 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp 526.
“Kết quả triển khai trong thời gian qua đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong an toàn thực phẩm cho người SX, người kinh doanh sản phẩm. Lan tỏa, chia sẻ nhiều mô hình hay, cách làm hay; đồng thời lên án mạnh mẽ những trường hợp không tuân thủ về an toàn thực phẩm”, Thứ trưởng Tiến cho hay.
Sang năm thứ 2, để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đơn vị liên quan cần rà soát, thống kê các địa phương trên cả nước đã có kế hoạch chương trình triển khai tại địa phương chưa.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, bởi thông tin đúng sẽ là động lực thúc đẩy an toàn thực phẩm. Vận động, hướng dẫn ký cam kết, kiểm tra, giám sát, xóa bỏ tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn của nông dân để mở rộng và giúp ổn định đầu ra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác SX, chế biến và kinh doanh nông sản an toàn tại các địa phương.
Ngoài ra, kết quả triển khai cần có số liệu đầy đủ để so sánh, đánh giá, đặc biệt là các chỉ số ký cam kết…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn