Từ thạc sĩ ngành lịch sử
Trung tuần tháng 3, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề. Du lịch của tỉnh Lâm Đồng cũng không ngoại lệ, khu vực trước cổng Thung lũng tình yêu thường ngày tấp nập du khách, đến nay cũng vắng vẻ lạ thường. Vườn rau Đức Tín của anh Đức hàng ngày đón một lượng lớn khách du lịch nhưng nay cũng "thất thu" vì virus corona.
Đón phóng viên từ chiếc cổng đang khóa, anh Đức dẫn chúng tôi xuống khu nhà kính trồng rau xanh mướt của gia đình mình, anh Đức cho biết, rất may dù nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên rau của anh vẫn xuất đều vào các siêu thị tại Hồ Chí Minh, Cam Ranh…
Tay vẫn "mân mê" những cây rau xà lách trên giàn thủy canh, anh Lê Quốc Đức cho biết: "Năm 2013, sau khi nhận bằng thạc sĩ, tôi đã được tuyển dụng làm việc tại Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, năm 2017, sau khi tìm hiểu tôi đã quyết định rời bỏ công việc nhà nước để theo đuổi đam mê làm nông nghiệp. Vào thời điểm đó, trồng rau thủy canh là khái niệm khá mới mẻ tại Đà Lạt, chính vì vậy tôi đã "tầm sư" học hỏi được một người anh cũng rất đam mê và tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ vật tư nên tôi đã mạnh dạn thuê 2.000m2 trước cổng Thung lũng tình yêu để trồng rau thủy canh".
Vào thời điểm đó, anh Đức quyết định từ bỏ công việc nhà nước với hai lý do, một là đam mê nông nghiệp, hai là mong muốn giải quyết bài toán tài chính của bản thân. Lúc đó, công việc của anh với số tiền lương ít ỏi tại cơ quan thì rất khó để phát triển được. Gia đình anh sống tại Đăk Lăk chủ yếu làm cà phê, chính vì vậy rất mong muốn con trai có công việc ổn định tại một cơ quan nhà nước sau khi ra trường. Dù nhiều thành viên trong gia đình anh phản đối khi chuyển qua làm nông nghiệp nhưng anh Đức vẫn quyết tâm thực hiện đam mê của mình.
Đến trồng rau thu trăm triệu.
Năm 2017, sau khi vay mượn và với số vốn tích cóp của hai vợ chồng, anh Đức đã thuê 2.000m2 đầu tư nhà kính và hệ thống trồng rau thủy canh. Mới đầu, do chưa hề có kinh nghiệm chăm sóc rau thủy canh nên anh đã nhờ sự giúp đỡ của những người đi trước trong ngành. Hiện nay, chủ yếu trong vườn của anh Đức trồng các loại rau như: xà lách, cải ngọt Nhật, dâu tây… Mỗi ngày trung bình đưa ra thị trường khoảng 100-150kg rau các loại. Hiện, anh Đức đã thuê thêm 2.000m2 đất để trồng dâu tây, phục vụ khách du lịch tham quan.
"Hiện, trong khu vực 2.000m2 trồng rau của mình, tôi xây dựng được 59 hệ thống giàn sắt cao 1m, rộng hơn 1,5m để xếp 10 ống trồng rau thủy canh. Trung bình, mỗi giàn sắt như vậy sau một lần trồng được 450 cây rau, đến thời điểm thu hoạch sẽ có trọng lượng từ 0,3-0,5kg/gốc. Tôi không bán hàng cho các đơn vị nhỏ lẻ theo giá thị trường mà làm hợp đồng với các đơn vị thu mua với giá cố định, với sản phẩm rau sạch của mình, trung bình tôi bán được giá 30.000 đồng/kg cho các siêu thị tại Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, Cam Ranh. Với lợi nhuận thu được, tôi và chủ đất sẽ chia theo tỷ lệ 80:20", anh Đức chia sẻ.
Anh Đức cho biết, cây rau chủ lực của anh là xà lách xanh, xà lách tím các loại, chúng chủ yêu bị bệnh nhiễm khuẩn hoặc cây yếu, chết do sốc nhiệt. Chính vì vậy, anh phải sử dụng hạt giống ngoại nhập chất lượng cao sẽ kháng được bệnh. Bên cạnh đó, anh Đức thường điều chỉnh lưới trên mái nhà kính để cắt nắng vào buổi trưa và bơm thêm nước vào đường ống để hạ nhiệt cho nước.
Anh Đức lưu ý với phóng viên Báo Dân Việt, trồng rau theo phương pháp thủy canh thì đầu tư khá lớn, lợi nhuận cao, thế nhưng người trồng phải xác định được đầu ra trước khi có rau thu hoạch. Tuy đầu tư với số vốn lớn nhưng nhà kính, giàn trồng rau, ống nước, máy bơm…làm một lần là có thể khai thác liên tục trong nhiều năm.
Theo Phong Lâm/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/cat-bang-thac-si-8x-ve-trong-rau-thu-hang-tram-trieu-moi-thang-1069996.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn