Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest 2016
Thắp sáng ngọn lửa đam mê
Tốt nghiệp hai bằng thạc sỹ về tài chính ứng dụng và quản trị kinh doanh tại Australia, nhưng khi về nước, Trần Thái Dương - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Skyfarm lại quyết định dấn thân vào lĩnh vực nhiều rủi ro là nông nghiệp sạch (năm 2012). Đến thời điểm này, Skyfarm đã gọi được 23 tỷ đồng từ các nhà đầu tư thiên thần để đầu tư cho dự án gần 9ha sản xuất cà chua tại xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Sau rất nhiều nỗ lực, giờ đây, Skyfarm tự hào là công ty nông nghiệp công nghệ cao duy nhất ở miền Bắc có trang trại đạt Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).
Theo quy mô hiện tại, mỗi năm Skyfarm cung cấp khoảng 35-40 tấn cà chua cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhóm khách hàng cao cấp ở thị trường Hà Nội, doanh thu khoảng 3-4 tỷ đồng/năm. Từ những kết quả ban đầu, Skyfarm đang lên kế hoạch để tiếp nhận thêm vốn từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm.
Nói về quá trình khởi nghiệp, anh Trần Thái Dương cho rằng: Dự án nông nghiệp luôn cần chi phí triển khai cao hơn, quá trình thu hồi vốn dài hơn nhiều so với các dự án khởi nghiệp khác. Chính vì vậy, đòi hỏi phải tìm các nhà đầu tư mà họ có khả năng chịu lỗ trong một thời gian dài. “Việc này không hề đơn giản, nhưng nếu bạn có ý tưởng và tin là nó thành công, hãy kiên trì với ý tưởng đó và dùng niềm tin đó để thuyết phục các nhà đầu tư”- anh Trần Thái Dương chia sẻ.
Giống như Trần Thái Dương, các thành viên sáng lập của Tripi.vn- sàn du lịch trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam – đều là những du học sinh từng làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như: IBM, Google, Yahoo… Thế nhưng, trước những khó khăn gặp phải của khách hàng khi tìm kiếm và mua sản phẩm du lịch, năm 2015, nhóm bạn này đã ngồi lại và tính tới việc thành lập một website giao dịch tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Từ ý tưởng này, tháng 4/2016, Tripi.vn chính thức được đưa ra thị trường. Với Tripi.vn khách hàng có thể tham khảo, so sánh giá các dịch vụ du lịch từ nhiều nhà cung cấp một cách xác thực - điều mà nhiều website du lịch trong nước không có được.
Thanh niên Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để tạo đột phá, nhất là trong lĩnh vực công nghệ |
Anh Trần Bình Giang - đồng sáng lập, Giám đốc Kinh doanh của Tripi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ thương mại và du lịch (TETTO) - phấn khởi cho biết: Đến nay, đã có hơn 1.000 khách hàng mua sản phẩm du lịch từ Tripi.vn. Con số này đang tiếp tục tăng lên. Tăng trưởng Tripi.vn hiện tại đều trên 100% mỗi tháng. Mục tiêu trong năm 2017 là sẽ có 10.000 khách hàng mua sản phẩm du lịch từ website này.
Sau khi đoạt Giải nhì Nhân tài Đất Việt 2016, Tripi.vn tham vọng trở thành sàn giao dịch du lịch trực tuyến lớn nhất tại thị trường Đông Nam Á về gói sản phẩm Holidays (combo kết hợp vé máy bay, khách sạn, tour du lịch). Cũng theo anh Trần Bình Giang, với những người trẻ khởi nghiệp, vốn luôn là vấn đề mấu chốt. Do mô hình của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp khác biệt so với các DN kinh doanh nhỏ và lãi tăng trưởng chậm nên nhu cầu vốn rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện vốn, làm sao có được những người đồng sáng lập hiểu nhau và có đam mê đủ lớn để cùng nhau vượt qua khó khăn là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp. Tính trên đầu người, số DN khởi nghiệp của Việt Nam nhiều hơn các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ. |
Bằng niềm tin “người Việt, tại môi trường Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ không kém các quốc gia hàng đầu trên thế giới, giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn”, đến nay mọi thành viên của Tripi.vn đều rất hài lòng và chưa bao giờ hối hận vì đã từ bỏ những cơ hội làm việc ở nước ngoài để trở về Việt Nam.
Để khởi nghiệp không “mất nghiệp”
Câu chuyện của anh Trần Thái Dương và Trần Bình Giang chỉ là hai trong số hàng nghìn câu chuyện khởi nghiệp đã tạo nên làn sóng khởi nghiệp của Việt Nam những năm gần đây. Tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp của Việt Nam giờ đây có thể dễ dàng nhận thấy thông qua các chuỗi nhà hàng, trang trại, mô hình sản xuất – kinh doanh được sở hữu và điều hành bởi các chủ DN 8X, 9X… trên khắp vùng, miền cả nước. Với tri thức, sức trẻ, sự đam mê, tinh thần dám nghĩ, dám làm, các startup trẻ tuổi đã tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt cung cấp tới người tiêu dùng. Tiêu biểu như Topica (tổ hợp giáo dục cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo trực tuyến chất lượng cao), VNG (với Zalo - ứng dụng nhắn tin, gọi trực tuyến), DotGears (nhà sáng lập Flappy Bird), Moca (cung cấp các giải pháp thanh toán di động trên smartphone), Vietinterview (phát triển các sản phẩm phỏng vấn 2 chiều qua video, họp trực tuyến và đào tạo trực tuyến)…
Tuy nhiên, trước khó khăn mà startup nào cũng gặp phải, đó là vốn, ông Đàm Quang Thắng - thành viên Ban điều hành Chương trình khởi nghiệp, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhìn nhận: Ngân hàng cũng là một DN, phải hoạt động sao cho an toàn nhất. Trong khi, đầu tư cho DN khởi nghiệp thường rủi ro cao hơn bởi tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm còn thiếu, mô hình kinh doanh chưa hoàn hảo, sản phẩm chưa được nhiều người tiêu dùng tin tưởng… Chính vì vậy, để khuyến khích các ngân hàng tham gia vào hỗ trợ DN khởi nghiệp, cần vai trò của nhà nước, cụ thể phải có cơ chế chính sách, định hướng của chính phủ cho các DN hoạt động về tài chính.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước về vốn, hành lang pháp lý, Tiến sĩ Lương Minh Huân – Phó Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) - khẳng định: Nhà nước chắc chắn không thể đủ nguồn lực tài chính hỗ trợ cho tất cả DN khởi nghiệp. Do đó, cần thành lập các quỹ như: Quỹ hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo; huy động các quỹ tư nhân, quỹ cộng đồng. Các nguồn lực này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn để ý tưởng startup trở thành hiện thực, giúp DN khởi nghiệp phát triển và đứng vững trên thị trường.
Đây cũng chính là mong muốn của Trần Bình Giang khi anh chia sẻ: Tham gia khởi nghiệp mới biết, xung quanh có rất nhiều người trẻ cùng lửa đam mê như mình. Họ mong muốn được làm việc gì đó để thay đổi hành vi của người dùng, làm cho xã hội tốt hơn. Với họ, cần lắm những nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư thiên thần – sẵn sàng bỏ vốn để đầu tư vào startup…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn