Là một nước nông nghiệp nhưng thực tế cho thấy rất nhiều năm nay, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% giống cây trồng. Các giống cây ngoại đã tràn ngập nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí lấn át cả những giống cây vốn là thế mạnh, làm nên đặc sản vùng miền của nước ta như: lúa, ngô, lạc, tỏi…
Thua đau” ngay trên sân nhà
“Cuộc chiến” giữa giống ngoại nhập với giống cây thuần Việt vốn xảy ra từ hàng chục năm nay và trong cuộc chiến đó thì những giống cây trồng đặc sản địa phương luôn thua cuộc. Tiến sĩ, nhà nông học Lê Tiến Dũng đã thừa nhận: Chúng ta đang thua đau ngay trên chính sân nhà. Tất cả cũng chỉ vì chúng ta ham năng suất, lợi nhuận mà đánh mất đi những cây trồng quý giá, nổi tiếng, mang bản sắc vùng miền của dân tộc.
|
Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc vào giống cây trồng nhập khẩu |
Theo điều tra, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, diện tích trồng các giống nhãn quý truyền thống chỉ còn chiếm chưa đến 1% diện tích nhãn của tỉnh. Một vài giống "nhãn tiến vua" ngày xưa gần như đã bị xóa sổ. Theo ghi nhận, giống nhãn lồng quý ở Hưng Yên không được người dân quan tâm phát triển vì năng suất thấp, trái nhỏ…
Hiện nay, có rất nhiều giống cây trồng ngoại được nhập ồ ạt vào Việt Nam là do tâm lý “sính ngoại” của đại đa số người trồng. Ai cũng cho rằng, giống ngoại tốt, năng suất và hiệu quả. Chính điều này đã dẫn đến việc cây trồng ngoại, giống lúa ngoại đang tràn vào nước ta dù chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo nghiệm. Đơn cử như giống lúa Nhật bản Japonica được gieo trồng ở Đồng bằng sông Cửa Long hiện nay đang được bà con nông dân quảng bá rầm rộ là ngon, chất lượng nên trồng ồ ạt. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta có nhiều giống lúa ngon như: tám thơm, lúa hương, lúa xoan... lại không được nhà nước hỗ trợ. Cổ vũ cho giống lúa ngoại thực sự là chuyện hết sức ngược đời ở nước ta.
Câu chuyện về giống tỏi Lý Sơn đang phải đối diện với việc cạnh tranh với tỏi voi Nhật Bản cũng đang được nhiều người nhắc tới trong thời gian gần đây. Theo ông Lê Tiến Dũng, nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào thì chắc chắn trong tương lai gần chúng ta sẽ mất tỏi Lý Sơn vì năng suất không thể cạnh tranh được. Trồng tỏi voi Nhật Bản năng suất cao nhưng chưa hẳn đã nhiều tiền vì tỏi Lý Sơn vẫn có giá trị cao. Tỏi Lý Sơn từ bao đời nay đã trở thành giống cây có dư địa chí rồi thì nên đầu tư phát triển, tránh nguy cơ như những giống cây trồng khác đã biến mất hiện nay.
Lệ thuộc giống cây trồng nhập khẩu?
Theo ghi nhận, hiện nay tại đảo Lý Sơn, do diện tích đất eo hẹp, mỗi nhân khẩu chỉ được cấp 110 m2 đất để trồng tỏi. Nhà nào muốn mở rộng diện tích phải đi thuê đất của hộ khác. Nếu tỏi Nhật Bản vào thì chắc chắn diện tích trồng tỏi Lý Sơn sẽ bị thu hẹp. Hiện tại, giống tỏi Lý Sơn trồng trên đảo cho năng suất ổn định, giá nhập cho thương lái từ 150 - 160 ngàn đồng/kg. Riêng tỏi “cô đơn” (một củ), giá từ 1,5 - 1,6 triệu/kg, không có mà bán bởi rất khó để trồng và cho ra loại tỏi này. Điều nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn mong muốn nhất là nhà nước có cách nào đó, bình ổn, giữ được giá để người nông dân yên tâm sản xuất, bởi hiện tại giá tỏi đang phụ thuộc vào thương lái.
Ông Dũng cho rằng: Phải cân nhắc việc nhập tỏi Nhật Bản về Lý Sơn. Phải đặt câu hỏi vì sao người Nhật lại chọn Lý Sơn, nơi có giống tỏi nổi tiếng để trồng mà không là địa phương khác? Đừng vì thấy cái lợi trước mắt là năng suất và sản lượng mà đánh mất một thương hiệu, một sản phẩm giống cây bao đời người dân mới tuyển chọn ra được. Đã có nhiều bài học đắt giá, chúng ta phải rút kinh nghiệm, không say sưa nhập về rồi đánh mất những giá trị vốn có của mình.
Và nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì tương lai không xa chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào giống cây nhập khẩu.
Để xóa bỏ nghịch lý nước nông nghiệp nhưng ồ ạt nhập khẩu giống cây trồng, rất cần có cuộc cách mạng trong việc tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và thương mại hạt giống, gắn các viện nghiên cứu với doanh nghiệp; thành lập các bộ phận nghiên cứu trong công ty và các công ty trong các viện nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng, tức là có sự tham gia của người dân dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu...
Hòa Bình/ Bảo vệ PL