Thu hoạch chè ở huyện vùng cao Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: MH
Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân
Là tỉnh miền núi có những lợi thế lớn về diện tích đất sản xuất nông nghiệp với 7,1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, thời gian qua, Lai Châu đã chú trọng hỗ trợ người dân phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị, nhất là cây chè. Xác định chè là một trong những loại cây trồng chủ lực, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành chè theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nắm vững chủ trương, chính sách và những lợi ích khi tham gia phát triển cây chè. Bám sát đặc điểm tâm lý và thói quen sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, việc tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất chè hiệu quả cũng được các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện thường xuyên. Nhờ tận mắt chứng kiến mô hình với hiệu quả cụ thể, nhiều bà con đã hiểu, tin tưởng, đồng lòng cùng các cấp chính quyền tham gia thực hiện chủ trương phát triển các vùng chuyên canh chè chất lượng cao.
Đặc biệt, hướng đến phát triển cây chè vừa hiệu quả vừa bền vững, các cơ quan, ban, ngành trực tiếp là ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã chú trọng khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh bằng các biện pháp như áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp (GAP) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; cải tạo diện tích chè thoái hóa, chè già cỗi còn đảm bảo mật độ bằng nhiều biện pháp kỹ thuật như: đốn tạo tán, đốn đau, làm sạch cỏ dại, đầu tư phân bón để tái tạo năng suất cây chè. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh; mở rộng diện tích trồng mới, trồng tái canh; xây dựng mô hình thâm canh cao, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, kết hợp với hệ thống tưới, tạo sản phẩm chè vụ đông; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Nhờ đó, đến nay Lai Châu đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu chè tập trung, chất lượng cao tại địa bàn thành phố Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên… với các giống chủ lực như chè Kim Tuyên, chè Shan Tuyết…
Thiết thực giúp người dân tăng thu nhập, phát triển đời sống
Tìm hiểu được biết, trên cơ sở sự quan tâm đầu tư, hướng dẫn của Nhà nước, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh biên giới Lai Châu đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, trồng mới gắn với cải tạo những diện tích chè năng suất thấp, thay thế bằng giống mới có năng suất chất lượng cao như LDP1, LDP2… Qua đó, vừa mở rộng diện tích vừa tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất chè chất lượng cao, đem lại thu nhập ổn định. Theo thống kê, hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh Lai Châu vào khoảng 5.005 ha; trong đó, riêng năm 2017 vừa qua, diện tích chè trồng mới của toàn tỉnh ước đạt gần 1.000 ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 26.000 tấn, tăng 2.330 tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn tỉnh có trên 3.700 ha chè kinh doanh, thường xuyên cung cấp nguồn chè búp tươi có chất lượng làm nguyên liệu để chế biến các loại chè thành phẩm có giá trị kinh tế cao. Với giá bán bình quân từ 3.000 - 5.000/kg chè búp tươi, sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng chè ở Lai Châu có thể thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Phát triển cây chè đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân trong tỉnh.
Là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Lai Châu về phát triển cây chè, ít ai biết trước đây người dân huyện Tam Đường chỉ quen sử dụng giống chè cũ nên năng suất đạt thường thấp. Được sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp và được tham quan nhiều hộ dân trồng chè từ các vùng lân cận, người dân trồng chè ở Tam Đường đã biết áp dụng các kỹ thuật vào thâm canh, cải tạo đất, nhờ đó năng suất chè trên địa bàn xã đã liên tục được tăng lên. Tiêu biểu như gia đình ông Phan Văn Hưng ở xã Bản Hon. Bắt đầu trồng chè từ hơn 15 năm trước, đến nay bình quân mỗi năm gia đình ông Hưng thu hoạch trên 100 tấn chè các loại với thu nhập sau trừ chi phí lên tới trên 300 triệu đồng. “Phát triển cây chè theo hướng an toàn tuy yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với trồng chè theo cách truyền thống nhưng đầu ra tương đối ổn định, vì vậy gia đình tôi và nhiều hộ trong xã khá yên tâm khi gắn bó với cây chè”, ông Phan Văn Hưng chia sẻ thêm. Theo thống kê, đến hết năm 2017, huyện Tam Đường đã có tổng diện tích chè lên tới trên 1.300 ha với gần 800 ha cho thu hoạch; sản lượng chè búp tươi đạt 4.000 tấn; tổng sản lượng chè khô đạt 880 tấn, giá trị xuất khẩu đạt gần 30 tỷ đồng.
Thực tế phát triển cây chè ở tỉnh biên giới Lai Châu những năm gần đây cho thấy, việc hình thành các vùng chuyên canh chè tập trung chất lượng cao tại nhiều địa phương trong tỉnh đã góp phần quan trọng giúp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Cây chè đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng biên, vừa giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân vừa thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn