Cách đây 5 năm, anh Phạm Văn Thiện (24 tuổi), xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) là một anh công nhân cần mẫn của khu công nghiệp ở thành phố. Ngày ngày đi làm, cuối tháng lĩnh lương, dù chi tiêu kham khổ nhưng khoản lương cũng chẳng dư giả được bao nhiêu. Suốt mấy năm miệt mài đi làm thuê như thế khiến Thiện mệt mỏi và có suy nghĩ khác: "Mình không thể đi làm thuê thế này đến già được...".
Trại nấm sò của Phạm Văn Thiện phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh Nam Định.
Từ đó, chàng trai trẻ lại ấp ủ về quê lập nghiệp, cứ mỗi lần về quê Thiện lại tranh thủ đi tìm hiểu xem ở quê làm gì để giàu được. Chẳng hiểu cơ duyên nào, đưa Thiện đến mô hình trồng nấm, rồi cũng từ đó Thiện càng đam mê với cây nấm này hơn.
Sau khi đã nắm được kỹ thuật trồng nấm trong tay, cuối năm 2017, Thiện khăn gói về quê xây dựng mô hình trồng nấm. Nhờ sự cần cù, chịu khó và đam mê...nên ngay trong vụ nấm đầu tiên, cây nấm bào ngư phát triển tốt và đem lại cho Thiện một nguồn thu lớn.
“Sau 4 tháng trồng, tôi thu về được gần 8 tấn nấm thương phẩm, sau khi trừ hết chi phí tôi lãi được gần 100 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng cũng được 25 triệu đồng, thu nhập mà bất cứ ai mới khởi nghiệp đều mơ ước” - Thiện chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Nấm bào ngư là loại nấm chứa rất nhiều dinh dưỡng và có thể nấu được nhiều món ăn ngon.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về việc chọn cây nấm để lập nghiệp, Thiện vui vẻ lý giải, với số vốn ít ỏi, nấm sò sẽ phù hợp với người bắt đầu khởi nghiệp như Thiện. Ngoài ra, nấm sò khá dễ trồng, đầu ra ổn định và nguồn nguyên liệu trồng khá đơn giản. Chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa...là nguồn nguyên liệu khá dễ kiếm, dễ tìm, dễ vận chuyển....
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Thiện cho biết, sau khi thấy hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình trồng nấm. Đến nay, gia đình anh đang có hơn 1.000m2 nhà xưởng trồng nấm bào ngư, trung bình mỗi tháng xuất bán ra thị trường được từ 3 đến 4 tấn nấm thương phẩm. “Sau khi trừ hết chi phí,mỗi tháng gia đình tôi lãi khoảng hơn 30 triệu đồng” - Thiện tiết lộ.
Trong quá trình trồng nấm bào ngư, Thiện liên tục cải tiến giống để phù hợp với khí hậu của địa phương, đồng thời tận dụng nguồn rơm rạ, mùn cưa, nguồn bắp...dồi dào để tăng thêm nguồn cung cấp dinh dưỡng, từ đó nâng cao năng suất cho trại nấm của mình.
“Nấm của gia đình tôi được trồng theo quy trình khép kín và không dùng các chất kích thích nên sản phẩm luôn đảm bảo, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”- Thiện cho biết thêm.
Cũng theo kinh nghiệm trồng nấm của Thiện, nấm bào ngư là một loại khá dễ trồng và trồng được quanh năm. Muốn cây nấm phát triển tốt và năng suất cao thì người trồng nấm cần tuân thủ theo đúng kỹ thuật từ khâu đầu vào cho đến khâu chăm sóc.
“Trồng nấm, nếu cần cù chịu khó, tỉ mỉ và biết rút kinh nghiệm từ thực tiễn sẽ thành công. Mình nghĩ với mỗi bạn trẻ, không quan trọng làm công việc gì, miễn là công việc chính đáng và phù hợp với đam mê thì đó là niềm hạnh phúc”, Thiện chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Thiện khẳng định, so với trồng các loại nấm khác thì trồng nấm bào ngư thương phẩm có năng suất cao hơn và khá dễ trồng. Ngoài ra, đầu ra cho NẤM BÀO NGƯ cũng không phải suy nghĩ nhiều và vốn đầu tư cho mô hình rất thấp. Nguồn nguyên liệu để trồng NẤM BÀO NGƯ cũng khá đơn giản, chủ yếu là mùn cưa, rơm rạ...khá dễ kiếm.
Trong quá trình trồng nấm, Thiện không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng nấm, cũng như đi thăm quan các mô hình trồng nấm bào ngư cho hiệu quả cao khác.
Từ mô hình trồng nấm, Phạm Văn Thiện không chỉ tạo được nguồn thu nhập tốt cho chính bản thân mình, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn tại địa phương.
Không chỉ được nhiều người biết đến bởi tấm gương chịu khó, ham học hỏi, Phạm Văn Thiện còn được người dân nơi đây rất quý mến vì có lối sống tình cảm, hòa đồng, cởi mở. Sau khi thành công với mô hình của mình, Thiện không ngần ngại chia sẻ và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng NẤM BÀO NGƯ cho bà con trong vùng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn