Tỷ trọng chăn nuôi của Hà Nội chiếm hơn 50% GDP sản xuất nông nghiệp. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng lĩnh vực này, thành phố xác định, phát triển chăn nuôi công nghệ cao là hướng đi tất yếu và có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi...
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội đứng đầu cả nước với 155 nghìn con trâu, bò, 1,85 triệu con lợn và gần 30 triệu con gia cầm. Có được kết quả này là do thành phố có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các hệ thống chăn nuôi, giết mổ hiện đại theo hướng công nghệ cao, cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt cấp mát, cấp đông theo tiêu chuẩn quốc tế. Hà Nội cũng đã nhập các giống gà, lợn từ nước ngoài để cải thiện chất lượng đàn vật nuôi như: Gà D300 của Cộng hòa Séc; lợn đực giống Landrace, Yorkshire... từ Đan Mạch; lợn nái ngoại Landrace, Yorshire... từ Thái Lan, Canada.
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò sữa đã đạt 100%, đàn bò thịt là 61%, đàn lợn 79%. Công tác thụ tinh nhân tạo gà đang bắt đầu thử nghiệm triển khai thực hiện ở 5 cơ sở. Còn hệ thống chuồng nuôi, với chăn nuôi lợn và gà sử dụng hệ thống chuồng kín đã đạt 30% số trại chăn nuôi quy mô lớn; chăn nuôi bò sữa, sử dụng hệ thống làm mát là hơn 80%, bò thịt 50%.
Dù đã đạt được những kết quả vượt bậc, nhưng để mở rộng ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này vẫn đang gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ. Ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương cho rằng: Việc đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi rất tốn kém, nhất là ở khâu tổ chức sản xuất và chế biến giết mổ, nhưng lại bị cạnh tranh bởi sản phẩm không rõ nguồn gốc, giết mổ nhỏ lẻ tràn lan trên thị trường. Do đó, phân khúc sản phẩm công nghệ cao vẫn chỉ hướng tới xuất khẩu và phục vụ số ít người dân, đây là những rào cản đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi vẫn là xu thế tất yếu của Hà Nội, bởi Thủ đô là thị trường khó tính...
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội chia sẻ, Nhà máy Xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân tại huyện Phúc Thọ có công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ, toàn bộ thiết bị xử lý trứng tự động hóa 100% của Hà Lan. Hiện nay, do thói quen sử dụng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất đến chế biến vẫn chưa được phổ biến, dẫn đến thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Do đó, đầu tư ứng dụng công nghệ cao phải có tầm nhìn dài hạn, nhằm giải quyết các vấn đề về năng suất, giá thành, an toàn thực phẩm và môi trường. Nhà đầu tư không thể trông mong gặt hái thành công trong vài năm đầu mà phải nhìn về tương lai từ 10 năm trở lên.
Hiện nay, về cơ bản chăn nuôi của Hà Nội đã vào quy củ và định hình rõ tương lai sẽ phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, hình thành các mô hình chuỗi khép kín và chuỗi liên kết. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thành phố sẽ chú trọng, khuyến khích các đơn vị đầu tư mạnh vào khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi bằng công nghệ bao gói hút chân không, bảo quản lạnh, chế biến sâu các sản phẩm thịt, trứng, sữa thành sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm. Qua đó, tạo đà cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được mở rộng, theo hướng doanh nghiệp làm nòng cốt trong khâu chế biến và tiêu thụ, nông dân, hợp tác xã tổ chức sản xuất tốt...