Phạm Thanh Phi thuyết minh về chiếc máy gieo hạt tự động tại Ngày hội Sinh viên sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: P.L
Trên những thửa ruộng thực nghiệm, chiếc máy gieo hạt cải từ đề tài nghiên cứu do Phi làm trưởng nhóm đã thử làm thay công việc của người nông dân. Thành công từ chiếc máy mô hình hứa hẹn giúp giảm nhân công, tăng năng suất trên các ruộng màu trong tương lai.
Ngày 7.1 vừa qua, tại Ngày hội Sinh viên sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất do Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức, Phạm Thanh Phi đã thuyết minh trước đông đảo các bạn trẻ và Ban giám khảo về sản phẩm sáng tạo này. Nhiều câu hỏi về nguyên lý, công dụng, cũng như ưu, khuyết của sản phẩm đã được chàng sinh viên đam mê sáng tạo giải đáp. Mặc dù những hạn chế vẫn còn đó, nhưng ai cũng công nhận đây là sản phẩm hữu ích, hướng đến cộng đồng.
Phạm Thanh Phi quê ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, vốn là "thủ phủ" sản xuất hành, tỏi trong huyện nên những công việc nghề nông, đặc biệt là trồng rau không xa lạ gì với Phi. Nhưng ý tưởng chế tạo chiếc máy gieo hạt cải lại đến từ một lần thăm quê bạn ở xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi, một trong những vựa rau lớn trong tỉnh.
"Khi đến đây em thấy người trồng rau vãi giống xuống đồng không đều. Chính vì thế cải mọc thành chùm, chỗ dày chỗ thưa. Sau đó, người trồng rau phải nhổ để cấy lại cho đều", từ quan sát thực tế đời sống, Phi ứng dụng kiến thức chuyên ngành được học và nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng để sáng chế máy gieo hạt.
Theo Phi, trên thị trường trong và ngoài nước có ba loại máy gieo hạt phổ biến là: máy gieo kiểu khí động học (kiểu chân không); kiểu trục cuốn và máy gieo kiểu đĩa. Cân nhắc sự phù hợp và chi phí sản xuất, Phi chọn phương án chế tạo loại máy gieo chân không đơn giản, theo nguyên lý cơ học để áp dụng vào thực tiễn với giá thành giảm, kết cấu đơn giản.
Cận cảnh chiếc máy gieo hạt tự động. Ảnh: P.L
Nhờ động cơ dẫn động, người sử dụng có thể điều khiển để máy di chuyển trên mặt ruộng. Bộ phận hút và nhả hạt gồm bộ lấy và nhả hạt đặc biệt được thiết kế gồm một thanh rỗng được gắn các kim nhỏ có khả năng nhặt hạt từ khay đựng bằng lực hút của động cơ hút, hút hạt vào đầu kim và nhả chính xác vào các ống bỏ hạt nhờ một bộ phận ngắt lực hút.
Chiếc máy mô hình đạt năng suất 14.400 hạt/giờ, chuyên dùng để gieo hạt cải. Tuy nhiên, các bộ phận trên máy có thể dễ dàng tháo lắp, thay đổi kích cỡ và công suất để phù hợp với các loại hạt khác nhau.
Nói về triển vọng của sáng kiến này, Phi hi vọng trước mắt có thể sản xuất chiếc máy này để phục vụ cho hộ gia đình ở quy mô nhỏ lẻ, sau đó cải tiến để áp dụng trên những cánh đồng lớn. "Hiện nay có nhiều khu công nghiệp thu hút một lượng lớn nhân công khiến các vùng nông thôn bị thiếu hụt lao động. Chính vì thế việc đầu tư máy móc thay thế tay chân rất cần thiết. Tuy nhiên, giá cả máy móc nước ngoài lại quá cao so với điều kiện kinh tế của người nông dân", Phi nói.
Chiếc máy gieo hạt tự động đã chạy thử nghiệm thành công trên ruộng rau màu. Ảnh: NVCC.
Chàng trai trẻ hi vọng chiếc máy của mình được sản xuất với giá thành rẻ sẽ là giải pháp phù hợp để thay đổi những bất cập trong trồng trọt rau màu hiện nay.
Không dừng lại ở chiếc máy gieo hạt cải trên luống tự động, Phạm Thanh Phi đang ấp ủ ý tưởng chế tạo những chiếc máy mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mà trước hết là phục vụ cho quê hương anh. Những ruộng hành, ruộng tỏi ở thôn Thanh Thuỷ, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đang chờ những chiếc máy của Phi hỗ trợ gieo trồng, thu hoạch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn