Bỏ việc về quê nuôi lươn
Đang là Giám đốc sản xuất với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Vừa làm việc, anh vừa xem trên mạng internet thấy có nhiều mô hình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn. Qua nghiên cứu riết rồi đam mê nghề này, Tân quyết định về nhà bạn ở Bến Tre thuê 200m² đất nuôi thử nghiệm lươn thịt.
Sau 10 tháng nuôi, “mẻ” lươn đầu tiên của anh đã cho lợi nhuận. Nhận thấy tiềm năng của nghề này, anh quyết định xin nghỉ việc, về quê quyết chí lập nghiệp bằng nghề nuôi lươn và sản xuất lươn giống.
Năm 2012, sau khi đi tham quan một số nơi, Tân quyết định về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi lươn. Nhưng do mua thu gom ngoài chợ, chất lượng con giống không đảm bảo, cộng với kinh nghiệm chưa nhiều nên lươn chết hàng loạt. Năm đầu anh nuôi 200kg lươn giống, sau 10 tháng nuôi lỗ khoảng 70 triệu đồng.
Anh Tân ươm trứng lươn trong nhà. |
Anh cho biết: “cũng do chưa có kinh nghiệm, đợt đầu do mua lươn trôi nổi của người săn bắt ngoài tự nhiên, giống già, tập tính lươn còn hoang dã nên chưa thích nghi môi trường trong hồ nuôi. Kích cỡ, trọng lượng giống không đồng đều nên cũng khó chăm sóc. Hơn nữa, do lươn giống bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi không cao”.
Khởi nghiệp thành công, thu tiền tỉ mỗi năm
“Gian nan, không nản”, anh bắt đầu làm lại. Nhưng lần này để tránh thất bại như lần trước, Tân tìm đến Trung tâm giống ở tỉnh An Giang để tham quan, được cán bộ thủy sản hướng dẫn quy trình sản xuất và nhân giống lươn. Đồng thời, anh tìm đến một số hộ nuôi và sản xuất lươn giống, được chuyển giao kỹ thuật.
Sau đó anh mua 3.000 con giống về tiếp tục nuôi trong bể, sau 10 tháng bán lươn thịt, anh thu về hơn 20 triệu đồng tiền lời. Thời điểm đó, con giống khan hiếm, giá thành lại cao nên anh quyết tâm học bằng được cách tự lai tạo ra con giống cho mình.
Anh tâm sự: “Thấy người ta ép lươn sinh sản được, mình cũng ham nên quyết chí “tầm sư học đạo” và lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật cho lươn sinh sản và tạo lươn bột. Từ đó, anh Tân tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm “bố, mẹ”. Sau nhiều lần thất bại không nản chí, vừa nuôi bán lươn thịt để có kinh phí lai tạo lươn giống.
Tân giới thiệu lươn giống nở đồng đều và sạch bệnh |
Đến năm 2014, kinh nghiệm đã có nên anh tiếp tục thực nghiệm lại quy trình cho lươn đẻ và qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên rồi tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ.
Khi lươn đã đẻ trứng xong, anh tiến hành vớt trứng đưa sang bể ấp. Cuối cùng, anh cũng thành công, nhưng đạt tỉ lệ chưa cao, chỉ khoảng 30- 40%. Kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều lần, ngày càng có kinh nghiệm, năm 2015 tỷ lệ trứng nở đạt đến trên 70%.
Và các năm tiếp theo đều đạt tỉ lệ càng tăng dần. Năm 2017, anh mở rộng cơ sở sản xuất diện tích 2.000m2, với 5.000 con lươn “bố mẹ”, cho ra lò hơn 1 triệu con giống và bán ra thị trường trong nước, với giá trung bình khoảng 3.000đ/con, anh lãi hơn 1 tỷ đồng.
Với thành công bước đầu, anh đã sửa lại căn nhà của mình khang trang hơn. Cuối năm 2017, anh tiếp tục thuê đất mở rộng thêm cơ sở sản xuất lươn giống lên hơn 4.000m2, với 10.000 con bố mẹ.
Mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất và bán được khoảng 200.000 con giống. Không dừng lại ở đó, hiện Tân cùng với người anh họ ra ngoại thành thủ đô Hà Nội thuê đất mở chi nhánh tại miền Bắc với diện tích 2.000m2 vừa nuôi lươn thương phẩm, vừa vận chuyển bán lươn giống cho khu vực phía Bắc.
Anh cho biết thêm: “Sau khi mở chi nhánh lươn ở phía Bắc hoạt động ổn định tôi sẽ mở thêm các chi nhánh ở khắp cả nước và xa hơn nữa tôi sẽ cho con lươn giống “Thanh Tân” bay sang nước ngoài nữa".
Trang trại nuôi lươn bố mẹ để lấy trứng ấp của anh Tân |
Lập website bán lươn
Để quảng bá thương hiệu và để người dân dễ tiếp cận với con lươn của mình anh còn lập website: luongiongvinhlong.com để trao đổi kinh nghiệm và bán lươn giống cảu mình đi khắp cả nước.
Anh cho biết: “Tôi bán khoảng 70% lươn giống nhờ website, thời gian tới tôi sẽ thành lập công ty sản xuất cung cấp lươn giống và nuôi lươn thương phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, anh cũng nghiên cứu chế biến thịt lươn đông lạnh và các sản phẩm chế biến từ thịt lươn xuất khẩu”.
Bên cạnh việc sản xuất và bán con giống, anh còn chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm cho người muốn nuôi lươn. Anh cho biết, nuôi lươn thịt trong bể không cần bùn, chỉ cần xây bể theo chiều ngang 2mx3m và cao 60cm là có thể nuôi được và ốp lót gạch men hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước.
Có thể tận dụng chuồng nuôi heo cũ, diện tích từ 2-4m2 là được, hoặc dùng vải bạt ni lon tạo thành bể, có gắn ống thoát để tiện cho việc thay nước. Đặc tính của lươn là thích thoáng mát, nguồn nước sạch, cho ăn đúng giờ, thức ăn đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt vài chùm dây nylon đen trên mặt nước làm ụ cho lươn chui vào trú ẩn.
Anh Tân dùng vải bạt làm bể bán kiên cố nuôi lươn thịt để giới thiệu, hướng dẫn cách nuôi lươn cho bà con |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, cơ sở của anh Nguyễn Thanh Tân là mô hình sản xuất lươn giống rất có hiệu quả. Bên cạnh việc sản xuất và bán con giống, anh còn chuyển giao công nghệ nuôi lươn thương phẩm cho bà con.
Những hộ trong xã chưa có vốn anh Tân vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng vừa hỗ trợ con giống. Cơ sở sản xuất lươn giống của anh hiện có quy mô và kỹ thuật có thể nói là nhất tỉnh hiện nay.
(Theo Công an TP.HCM)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn