Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, ông Trần Trung Dũng đã tận dụng lợi thế đất đai sẵn có để trồng các loại rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: mít, bơ, bí đỏ, ớt, khổ qua... Trong đó, cây khổ qua được ông đưa vào trồng từ tháng 3-2018. Đến nay, khổ qua đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình ông.
Người dân phân loại khổ qua. Ảnh: Mỹ Đức
Theo ông Dũng, cây khổ qua rất dễ trồng, dễ chăm sóc và nhanh cho thu hoạch (từ lúc gieo cho đến khi được thu chỉ hơn 2 tháng). Đến nay, 7 sào khổ qua của gia đình ông đã thu trên 10 tấn quả. Với giá bán dao động trong khoảng 10.000-17.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 100 triệu đồng.
“Sau thời gian đi tham quan các mô hình trồng khổ qua thấy có hiệu quả, tôi quyết định đầu tư trồng loại cây này. Với 7 sào khổ qua, mỗi ngày tôi thu hoạch được 7 tạ quả. So với các loại cây trồng khác, tôi thấy cây khổ qua mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”-ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, để khổ qua phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân nên sử dụng phân chuồng hoai mục bón vào thời điểm cây bắt đầu bám giàn và thường xuyên tưới đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa.
Ông Kpuih Lan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp-cho biết: “Đây là mô hình trồng khổ qua đầu tiên tại xã, trước mắt mang lại hiệu quả cao hơn so với các loại rau màu khác. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp để nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã”.
Tuy nhiên, hiện nay, việc trồng cây khổ qua vẫn mang tính tự phát nên chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, giá cả còn bấp bênh. Nếu đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm thì khổ qua là loại cây trồng có thể giúp nông dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn có thể vươn lên làm giàu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn