Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, thông qua kết quả khảo nghiệm, nghiên cứu chọn, tạo giống, trong những năm qua Bộ NN-PTNT đã công nhận 231 giống lâm nghiệp. Trong đó, 95 giống của 6 loài keo, 85 giống của 5 loài bạch đàn, 33 giống của 4 loài tràm, 4 giống thông Caribeae, 10 giống mắc ca, 2 giống phi lao, 1 giống dẻ ăn quả và 1 giống sa nhân tím.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân SX kinh doanh giống lâm nghiệp có đăng ký và mới có 30% lượng giống được xác nhận là đi được vào SX |
Tuy nhiên, đến năm 2014, qua rà soát của Tổng cục Lâm nghiệp đã trình Bộ hủy bỏ 48 giống do thoái hóa, không đáp ứng yêu cầu SX. Chính vì vậy, tổng số lượng giống lâm nghiệp đã được xác nhận đến nay chỉ còn 183 giống, song chỉ 55/183 giống thực sự đi vào SX, chiếm trên 30%.
Hàng năm, các địa phương SX khoảng 650 triệu cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng, trong đó cây gieo ươm từ hạt 500 triệu cây (chiếm 77%, gồm các loài chủ yếu như keo tai tượng, thông mã vĩ, hồi, lát hoa, quế, mỡ, lim xanh, bồ đề, sa mộc) và 150 triệu cây mô, hom (chiếm 23%, gồm keo lai, bạch đàn lai, bạch đàn u rô).
Từ các giống lâm nghiệp được công nhận, đến nay giống các loài keo, bạch đàn vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo, khoảng 70% diện tích rừng trồng SX tại nước ta với quy mô trên 1 triệu ha. Năng suất rừng trồng đạt bình quân khoảng 15m3/ha/năm, tăng 50% so với năm 2009 (khoảng 10m3/ha/năm).
Đối với diện tích rừng trồng, rừng thâm canh giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia đạt bình quân 20 - 25 m3/ha/năm, cá biệt có mô hình rừng trồng đạt năng suất 40m3/ha/năm. Trung bình hàng năm cung cấp ra SX 50 triệu cây nuôi cấy mô, 100 triệu cây giâm hom, 500 triệu cây gieo ươm từ hạt, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giống lâm nghiệp cho công tác trồng rừng toàn quốc.
Ngoài ra, từ các nguồn giống lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận (rừng giống, vườn giống) đã cung cấp giống có chất lượng để trồng rừng các loài cây mỡ, bồ đề, tràm với khoảng 20%, tương ứng 299.154 ha. Riêng nhóm các loài cây khác có chu kỳ khai thác trên 10 năm (lát, xoan, thông và các loài cây bản địa khác) vẫn còn khá khiêm tốn với khoảng 149.577ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng cả nước.
Theo TS Phí Hồng Hải, PGĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nhu cầu giống có năng suất và chất lượng cao cho rừng trồng SX ngày càng lớn, song hầu hết các giống được công nhận mới chỉ được đánh giá ở một vài dạng lập địa và quy mô khảo nghiệm nhỏ.
Trong khi đó, muốn đưa các giống mới vào SX đạt hiệu quả cao rất cần có khảo nghiệm ở quy mô đủ lớn (cả về dạng lập địa và diện tích) để chứng minh tính ưu việt của từng giống trên từng dạng lập địa, đồng thời khẳng định năng suất chính xác của giống. Một ví dụ điển hình khi trồng dòng AH7 (được công nhận cho vùng Đông Nam Bộ) tại Phú Thọ dòng này sinh trưởng rất kém, năng suất chỉ đạt 12,3 m3/ha/năm, chỉ bằng 43,3% năng suất của xuất xứ tốt nhất của keo tai tượng - Oriomo.
Do đó, TS Phí Hồng Hải kiến nghị, các hoạt động nghiên cứu, phát triển và SX giống cây lâm nghiệp cần được thực hiện theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu chọn giống truyền thống với ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ mới.
Cần ưu tiên nghiên cứu chọn tạo giống sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt và chống chịu sâu bệnh bằng chỉ thị phân tử, công nghệ biến nạp gen (gen tăng chiều dài sợi gỗ, gen kháng côn trùng, gen kháng nấm, gen tăng cường phân giải lân) và công nghệ đột biến gen cho các loài cây trồng rừng chủ lực keo, bạch đàn và thông.
Đại diện DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (Quy Nhơn, Bình Định) bà Phan Thị Hạnh cho rằng, cần phải kết hợp giữa chuyển giao và nghiên cứu để giúp rút ngắn thời gian, hạ giá thành chứ chuyển giao toàn bộ từ nước ngoài sẽ rất đắt đỏ.
Bà Hạnh lấy ví dụ, qua thực tế SX, DN Nguyên Hạnh nhận thấy chất lượng cây giống keo lai giâm hom đem trồng rừng ngày càng kém, khi cây con chỉ có rễ chùm mọc ngang mà không có rễ chính cắm sâu vào đất, thân cây nhiều cành nhánh, giòn, dễ gãy dẫn đến rừng trồng bằng loại cây này cũng dễ gãy và ngã đổ, gỗ xốp, nhẹ nên chất lượng và năng suất rừng trồng giảm, hiệu quả trồng rừng kém.
Nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, đơn vị đã áp dụng thành công một số biện pháp cải tiến kỹ thuật trong quá trình SX cây giống bằng phương pháp giâm hom, như giảm tuổi sinh lý vườn cây mẹ, tăng mật độ trồng vườn keo mẹ, giảm cấp cành cho hom, giảm chiều cao vườn keo mẹ…
Còn theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, hiện hệ thống quản lý giống cây lâm nghiệp từ tỉnh đến huyện còn thiếu và yếu, nhất là tuyến huyện, hầu hết các huyện chưa có cán bộ chuyên trách lĩnh vực giống lâm nghiệp. Phòng NN-PTNT huyện chưa quản lý được các tổ chức, cá nhân SX kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn.
Vì vậy, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, quản lý chặt khâu SX giống kết hợp phát triển giống cây lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ và các sản phẩm từ gỗ khác là yêu cầu cấp bách trong định hướng phát triển ngành lâm nghiệp hiện tại và tương lai.
Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong đề án tái cơ cấu ngành cũng như các chương trình, kế hoạch thúc đẩy SX lâm nghiệp phục vụ XK, Bộ NN-PTNT luôn xác định phải nâng cao tỷ trọng gỗ có nguồn gốc hợp pháp rừng trồng trong cơ cấu gỗ nguyên liệu.
Theo Thứ trưởng, dù được nâng lên trên 50% nhưng so với thế giới tỷ lệ gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng của Việt Nam hiện vẫn thấp nên chúng ta đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lên 80 - 90%. Vì vậy, khâu quản lý, SX giống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị rừng trồng, nhất là khâu ứng dụng công nghệ, KTKT hiện đại vào SX giống như mô, hom là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu nâng tỷ lệ mô hôm từ khoảng 25% hiện nay lên 75 - 80%.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về giống lâm nghiệp đã đầy đủ, song cũng phải thừa nhận còn những tồn tại hạn chế. Bản thân ngành lâm nghiệp đã nhìn thấy những hạn chế đó nên đang có những động thái kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giống lâm nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân SX kinh doanh giống lâm nghiệp có đăng ký SX kinh doanh. Trong đó, 229 cơ sở thuộc BQL rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, SX khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm và 515 công ty tư nhân và hộ gia đình SX khoảng 80% số lượng cây giống cung cấp cho trồng rừng. Về cơ bản giống lâm nghiệp đưa vào SX được quản lý khá tốt theo chuỗi từ khâu công nhận giống, nguồn giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng. Tính đến năm 2018, đảm bảo cung cấp 80% giống lâm nghiệp được công nhận, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn